Dân Việt

Lạng Sơn: Bảo vật Quốc gia xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ sụp đổ

Chang Liễu 02/07/2018 13:15 GMT+7
Bia Thủy Môn Đình là một trong số rất ít di vật có hai chữ "Việt Nam" với ý nghĩa như danh xưng của đất nước từ trước năm 1804 và đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Nhưng qua thời gian dài tồn tại không có sự quan tâm tu sửa đến nay công trình này đang bị xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Dọc theo con đường quốc lộ 1A ra cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Đồng Đăng, Cao Lộc, (Lạng Sơn), ngay đầu ngõ vào thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc có tấm bia dựng đứng ngay trên sườn đồi đã bao đời nay. Người dân nơi đây thường gọi là bia Thủy Môn Đình và di tích này đã được xếp hạng Bảo vật Quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay di tích này đang bị xuống cấp.

img

Thủy Môn Đình là công trình được xây dựng có sự hỗ trợ của nước Thụy Điển. Trải qua thời gian dài không được quan tâm trùng tu đến nay tấm biển nhỏ bị hoen gỉ, dòng chữ mờ dần. 

Theo địa chí Lạng Sơn, bia Thủy Môn Đình được dựng vào năm Cảnh Trị thứ tám, (năm 1670), đời vua Lê Huyền Tông, có nội dung ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên vùng biên ải và ghi nhận những tấm lòng của các bậc hiền nhân, dòng họ, đã có công bảo vệ bờ cõi, biên cương của Tổ quốc. Đặc biệt là Bia Thủy Môn Đình đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia (Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 14-1-2015). Đây là Bảo vật Quốc gia đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn và là một trong 79 Bảo vật Quốc gia của đất nước. Tấm bia có kích thước khá lớn: cao 130 cm, rộng 84 cm, dày 23 cm, bằng đá, được đặt ở khu vực biên giới, cách cửa khẩu quốc tế Hữu nghị hơn 2 km.

img

Tấm bia được khắc bên trên bằng chữ Hán. Lễ Tết, rằm, mồng 1 người dân xung quanh thường xuyên đến thắp hương và quét dọn.

Theo các nhà nghiên cứu, bia Thủy Môn Đình là một trong 7 hiện vật, tài liệu, thư tịch cổ có hai chữ "Việt Nam" với ý nghĩa như danh xưng của đất nước từ trước năm 1804 còn nguyên vẹn. Trong văn bia có câu:

"Việt Nam hầu thiệt

Trấn Bắc ải quan

Thạch bích hoàn vũ

 Uyên quận giới phiên

 Đồng Đăng linh ấp”

Với ý nghĩa “đây là cửa ngõ và yết hầu của nước Việt Nam, là ải quan trấn giữ phương Bắc, vách đá giữa trời, quận sâu nơi biên giới. Ấp thiêng xứ Đồng Đăng”.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, đến nay di tích này đã xuống cấp nghiêm trọng, công trình kiến trúc nhà bia bị mối mọt, mái đình xuống cấp có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, hành lang bảo vệ chưa được đầu tư xây dựng, không gian bị chiếm dụng bởi các công trình quảng cáo và các công trình, vật kiến trúc của dân cư xung quanh.

img

img

Những cột đình đang bị mối mọt ăn. Nếu vẫn không có sự quan tâm tu sửa thì nơi được công nhận là Bảo vật Quốc gia này sẽ bị sụp đổ trong một ngày không xa.

img

Mái ngói cũng đang bị hư hỏng nghiêm trọng.

Cô Hoàng Thị Phương cho biết: “Nhà tôi ngay gần đây nên ngày nào tôi cũng lên đây quét dọn. Chẳng phải là được trả chi phí quét dọn gì đâu, đó là từ cái tâm của mình. Một nơi linh thiêng, thờ tự người thật việc thật mà quá sơ sài không được quan tâm trùng tu, nâng cấp, bảo vệ. Hiện nay mối mọt đã ăn hết vào các cột gỗ, mái đình thì bị hư hỏng, xuống cấp. Chỉ mong các ngành chức năng của tỉnh khẩn trương có các biện pháp để bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, tu bổ di tích đem lại vẻ đẹp cho di tích đã được nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia ở vùng đất biên ải này.”

img

Cô Phương tự nguyện thường xuyên thăm nom và quét dọn nơi này.

 “Nói thì không ai tin nhưng đây là một nơi rất linh thiêng. Ban ngày lên thì nhìn thấy trên tấm bia những dòng chữ Hán mờ mờ nhưng vào đêm giao thừa hai hàng chữ dọc tấm bia rực sáng hiện lên rất rõ”, cô Phương cho biết.

img

Nơi đây được công nhận là Bảo vật Quốc gia nhưng được xây dựng với diện tích rất nhỏ, người dân tự căng bạt phía trước đình để tránh mưa gió hất vào.

Trước thực trạng di tích Nhà bia Thủy Môn Đình như bị lãng quên không khỏi khiến cho những người tâm huyết thấy xót xa. Chỉ tính riêng địa bàn thị trấn Đồng Đăng, hiện du khách phần đông di du lịch là đến vãn cảnh Đền Mẫu là chính, mà không hề biết tới di tích Nhà bia Thủy Môn Đình ở ngay cửa ngõ thị trấn. Nếu, tất cả những điểm di tích trên địa bàn thị trấn Đồng Đăng nói riêng, tỉnh Lạng Sơn nói chung được xâu chuỗi với nhau, có điểm đầu điểm cuối trong hành trình du lịch của du khách thì thật hấp dẫn. Để làm được điều trên, thiết nghĩ các quan chức cơ năng của tỉnh Lạng Sơn cần quan tâm đến công tác bảo tồn, tôn tạo di tích nhiều hơn nữa đặc biệt đối với di tích Nhà bia Thủy Môn Đình - Một bảo vật đã được Thủ tướng chính phủ công nhân là Bảo vật Quốc gia.