Tang thương phủ trắng bản nghèo
Đến đầu bản Na Lắn, xã Châu Lý, chúng tôi đã nghe tiếng khóc ai oán, bi thương của những gia đình có người thân tử nạn trong vụ lật xe, rúng động cả đại ngàn. Nơi ngôi nhà tranh dột nát ven đường, tiếng khóc của thiếu phụ, con trẻ như muốn xé toang cả bầu trời. Đó là ngôi nhà của ông Lô Văn Hùng. Hai đứa con trai của ông là Lô Văn Thông (SN 1988) và Lô Văn Minh (SN 1990) đã vĩnh viễn ra đi vì bị gỗ đè.
Nỗi đau gia đình bà Vi Thị Mai có 2 đứa con tử nạn là Lô Văn Thông và Lô Văn Minh. |
Vợ chồng ông Hùng sinh được 2 người con. Minh là con thứ nhưng cưới vợ trước anh nên đã có hai con, đứa đầu hơn 3 tuổi, đứa sau gần 14 tháng tuổi. Còn Thông, mới lấy vợ và có đứa con trai được hơn 13 tháng.
Bà Lô Thị Xiềng, hàng xóm, rơi nước mắt tâm sự: "Nhà ông Hùng nghèo nhất bản ni. Túp lều của vợ chồng Minh gần sông, vừa rồi lũ cuốn nên vợ chồng con cái đều chuyển về nhà bố mẹ. Tội nghiệp 2 cặp vợ chồng, con cái và ông bà gồm 9 người đều tá túc trong căn nhà lá lụp xụp đó, gió to thì sập mà mưa thì dột như ngoài trời. Nhà nghèo nên phải đi bốc gỗ thuê, cơ cực lắm".
Trong "căn nhà" ấy, chẳng có gì đáng giá, đến chiếc giường nằm ngủ cũng không, họ phải nằm trên tấm liếp đan bằng nứa. Thi thể của hai anh em Minh - Thông được đặt trong 2 chiếc quan tài nằm cạnh nhau. Ai nhìn thấy cảnh đó cũng ngậm ngùi rơi nước mắt.
Mất một lúc 2 đứa con, còn nỗi đau nào hơn thế. Bà Vi Thị Mai (mẹ Thông và Minh) ngất lên, ngất xuống mấy lần phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Điều đau xót và day dứt nhất là hình ảnh 3 đứa trẻ con của anh Thông và anh Minh, đứa đang còn ngủ trên tay mẹ, đứa cưỡi lên quan tài cha, chúng đang còn quá nhỏ, đâu có biết rằng đã vĩnh viễn mất cha.
10 người tử nạn trong vụ lật xe gỗ thì bản Na Lắn có đến 7 nạn nhân. Trong đó có 3 gia đình mất 2 con. Cách nhà ông Hùng vài quăng dao là nhà bà Vi Thị Khuyền. Hai đứa con của bà là Vi Văn Là (SN 1976) và Vi Văn Hiến (SN 1982) cũng tử nạn trong chuyến xe gỗ định mệnh. Trong nỗi đau tột cùng mất một lúc hai đứa con trai, bà Khuyền chạy ra đường như điên dại rồi gào khóc…
Chúng tôi đến gia đình bà Vi Thị Dung ở bản Pù Lầu (xã Châu Lý), cũng một bầu không khí tang tóc bao trùm. Cũng hai chiếc quan tài nằm song song với nhau trong căn nhà lá xập xệ. Sáng 7.12 nghe tin 2 con trai là Vi Văn Việt đã chết và Vi Văn Túi đang cấp cứu ở bệnh viện, bà Dung đã đột quỵ. Hiện nay, bà đang được cấp cứu ở trạm xá mà chưa biết đứa con trai thứ 2, Vi Văn Túi cũng đã chết ở bệnh viện.
Sống vì gỗ chết vùi trong gỗ
Sáng 8.12, đám tang tập thể diễn ra tại nghĩa địa núi Mồ. Những tuyến đường quê rợp vành tang trắng. Chưa bao giờ thảm hoạ và đau thương tang tóc lại ập xuống vùng quê nghèo này như hôm nay. Hàng trăm người thân của 10 phu gỗ vật vã bên linh cữu, lúc tỉnh lúc mê trong tiếng khóc thảm thiết. Phụ nữ, trẻ em, người già nằm bất tỉnh trên bãi cỏ, khiến những người chứng kiến không khỏi ngậm ngùi.
Hầu hết những nạn nhân của vụ lật xe chở gỗ đều là những nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Vì mưu sinh nên họ phải vào rừng bốc vác thuê cho các chủ gỗ. Chị Vi Thị Chi - người nhà nạn nhân Vi Văn Túi cho biết: "Mỗi lần đi bốc gỗ thuê một chuyến như vậy, chủ gỗ trả cho từ 100- 150 nghìn đồng. Nghề này lao lực và nguy hiểm lắm, anh Túi nhà em cũng đã bị gỗ đè bị thương nhiều lần rồi. Nhưng không đi thì không có mà ăn nên vẫn phải cố. Lần này thì không còn anh nữa".
Thượng tá Nguyễn Đình Nghị - Trưởng Công an huyện Quỳ Hợp
Hoàn cảnh của gia đình anh Lê Văn Lường (SN 1970) ở bản Na Lắn cũng rất khó khăn. Anh đang làm ngôi nhà còn dở dang, vì thiếu tiền nên phải đi bốc gỗ thuê, và cũng bị gỗ đè chết, bỏ lại ngôi nhà còn dang dở và 3 đứa con thơ. Rồi đây không biết vợ anh phải chèo chống gia đình như thế nào khi mất đi người đàn ông trụ cột.
Được biết, xã Châu Lý có hàng chục người đàn ông là trụ cột chính trong gia đình làm nghề phu gỗ, nhưng nhiều nhất vẫn là 2 bản Na Lắn và bản Pù Lầu. 10 người chết, 4 người bị thương có nguy cơ không qua khỏi vì gỗ. Nỗi đau này không dễ gì khoả lấp.
Rời Châu Lý trong cơn mưa ảm đạm, chúng tôi vẫn còn nghe tiếng khóc não nề, thê lương vọng khắp đại ngàn và cứ ám ảnh mãi những phận đời phu gỗ, về thảm hoạ thảm khốc đã tước đi mạng sống của 10 phu gỗ trên vùng rừng núi Phủ Quỳ.
Ông Huỳnh Thanh Điền-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, ngay khi xảy ra tai nạn tỉnh đã cử đoàn công tác lên tiếp cận hiện trường, thăm hỏi, động viên các gia đình có người chết và bị thương, hỗ trợ gia đình có người chết 2 triệu đồng/người, người bị thương 1 triệu đồng/người. Cũng trong chiều 7.12, ông Huỳnh Thanh Điền cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An để thăm hỏi các nạn nhân bị thương đang nằm điều trị tại đây.
Tiến Dũng