Dân Việt

Người sống với trái tim vỡ lo bán nhà chữa bệnh

09/12/2011 10:51 GMT+7
(Dân Việt) - “Các bác sĩ đã ước tính toàn bộ chi phí điều trị lên đến 70-80 triệu đồng. Với một người chỉ biết đến mấy sào ruộng như chúng tôi thì lúc nào mới có từng ấy tiền mà trả nợ. Chắc đến phải bán nhà mà trả nợ mất”.

Một bệnh nhân sống với trái tim giập suốt 19 năm do bị trâu húc và trái tim đang phình to gấp 3 lần bình thường. Ca phẫu thuật tim phình đầu tiên của VN cũng như trên thế giới đã cứu sống bệnh nhân trên.

Có thể tử vong nếu chậm trễ

Chiều 7.12, sau nhiều phiên hội chẩn và khám, êkíp gồm hơn 20 bác sĩ của Viện Tim mạch quốc gia đã tiến hành phẫu thuật tim cho bệnh nhân Vũ Đình Long, 21 tuổi (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Sau gần 4 giờ phẫu thuật căng thẳng, ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân đã được cứu sống.

img
Bệnh nhân Vũ Đình Long sau một ngày phẫu thuật đã hồi tỉnh.

Bệnh án cho thấy, vào năm 2 tuổi bệnh nhân Long bị trâu húc làm giập tim. Tuy nhiên, trong suốt 19 năm sống với trái tim giập nát, bệnh nhân vẫn không hề hay biết. Mọi sinh hoạt, ăn ở, làm việc vẫn diễn ra bình thường. BS. Phan Thanh Nam - phẫu thuật viên của ê kíp mổ cho biết: “Khi bị trâu húc tim đã bị tổn thương nhẹ, tuy nhiên trong một thời gian dài nên bệnh nhân tự thích ứng dần với trái tim bị tổn thương”.

Bệnh nhân Long nhập viện trong tình trạng khó thở, đau nhói vùng ngực, chụp X-quang cho thấy quả tim phình to bất thường, chiếm hết lồng ngực. Ban đầu các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị u vùng ngực, song kết quả siêu âm tim phát hiện quả tim bị đẩy hoàn toàn sang bên phải khoảng 15cm và bị bao phủ bởi khối máu đông cùng dịch to gấp 3 lần quả tim bình thường. Nếu không được phẫu thuật bệnh nhân sẽ bị tử vong do vỡ khối dịch.

TS.BS Dương Đức Hùng - Trưởng Đơn vị phẫu thuật tim mạch –Viện Tim mạch Quốc gia (BV Bạch Mai), người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho hay, thông thường vỡ tim sẽ gây chèn ép cấp tính, mạng sống chỉ tính từng phút từng giờ nếu không được cấp cứu kịp thời. Các bác sĩ đã phải sử dụng máy tuần hoàn ngoài cơ thể, sau đó xử lý triệt để lấy khối phình và “vá” chỗ rò bằng vật liệu đặc biệt chuyên dụng.

Đối mặt với cơ cực

Sau một ngày phẫu thuật, ngày 8.12, khi PV NTNN vào thăm, bệnh nhân đã tỉnh táo và rút nội khí quản, dự kiến 1 tuần nữa bệnh nhân Long sẽ xuất viện và có sức khỏe như những người bình thường khác. Niềm vui sắp được cứu sống chưa hết thì bệnh nhân lại phải đối mặt với những khó khăn chồng chất. Bệnh nhân Long không cầm được nước mắt kể: “Nhà mình nghèo, bố mẹ làm ruộng còn mình vừa làm ruộng vừa đi phụ hồ, giờ bệnh tật thế này chỉ làm khổ gia đình”.

img Tim phình quá to ép toàn bộ lồng ngực nếu không cẩn thận khi phẫu thuật có thể gây vỡ túi phình hoặc xác định nhầm vị trí mạch vành hoặc dây dẫn truyền thần kinh gây chảy máu ồ ạt. Điều này có thể làm bệnh nhân tử vong ngay trên bàn mổ, mà không kịp xử lý. img

Trò chuyện với phóng viên, ông Vũ Đình Ưu - bố bệnh nhân Long, mắt ngân ngấn nước kể: “Hồi nhỏ khi biết con bị trâu húc, vợ chồng tôi cũng định cho cháu đi viện nhưng nhà nghèo, chả lấy đâu ra tiền nên đành thôi. Hai chục năm rồi có thấy con ốm đau gì đâu nên cũng không để ý”.

Ông cũng có ngờ đâu là đứa con lam lũ của mình lại mắc phải căn bệnh hiếm gặp. “Nhà có mấy tạ thóc, con gà cũng đã bán hết rồi. Hôm qua để ứng tiền phẫu thuật tôi phải đi cắm sổ đỏ, vay nóng lấy tiền điều trị cho cháu” - ông Ưu nghẹn ngào.

Là nông dân, lại không có bảo hiểm y tế, nên mọi chi phí thuốc men, phẫu thuật của Long, gia đình đều phải chi trả. Nỗi lo khiến khuôn mặt ông Ưu co rúm lại: “Các bác sĩ đã ước tính toàn bộ chi phí điều trị lên đến 70-80 triệu đồng. Với một người chỉ biết đến mấy sào ruộng như chúng tôi thì lúc nào mới có từng ấy tiền mà trả nợ. Chắc đến phải bán nhà mà trả nợ mất”.

Một tuần nay ông phải ăn chực nằm chờ mong con được điều trị. Trời thì lạnh, nhiều hôm ông không dám ăn, nằm ngủ vỉa hè để tiết kiệm tiền lo cho con. “Chỉ mong nó nhanh được xuất viện. Dù có phải bán nhà để chữa bệnh cho con thì gia đình tôi cũng phải theo. Nó là đứa hiếu thảo, nó có mệnh hệ nào thì vợ chồng tôi sẽ không sống nổi”.