Dân Việt

Nhân ngày Bảo hiểm y tế VN (1.7): Tiến sát và hỗ trợ người dân tốt hơn

Tuấn Kiệt 30/06/2018 06:20 GMT+7
“Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến y tế cơ sở” là chủ đề truyền thông nhân Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam 1.7.

Hơn 80% số trạm y tế khám chữa bệnh BHYT

Vừa qua, Bộ Y tế đã cử nhiều đoàn công tác do trực tiếp bộ trưởng và các thứ trưởng dẫn đầu đi thăm 26 trạm y tế (TYT) thuộc 8 tỉnh.

Đến thăm và làm việc tại TYT xã Chí Tiên (huyện Thanh Ba, Phú Thọ), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã hỏi thăm các bệnh nhân. Bà Nguyễn Thị Lan - một bệnh nhân đang chờ khám chia sẻ, bà đã có tuổi nên hay đau ốm, mỏi mệt, đau xương khớp. Ngày trước, bà thường lên Trung tâm y tế huyện (cách nhà 7km) để khám, nhưng vài năm trở lại đây, bà khám ngay tại TYT. “Tôi đi bộ đi khám, được BHYT cấp thuốc cũng đủ để điều trị bệnh, nếu thuốc ngoài danh mục BHYT thì mua ngay tại TYT, rất tiện lợi” – bà Lan nói. Tuy nhiên, bà Lan thấy rằng thuốc BHYT vẫn còn ít, nhiều thuốc bà phải mua bên ngoài.

img

 Nhân lực y tế phải đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khỏe an toàn, hiệu quả cho người bệnh (ảnh minh họa).   Ảnh: D.L

"Tiến tới thực hiện mục tiêu quản lý sức khỏe toàn diện cho từng người dân, người dân cần được khám sức khỏe định kỳ; phải được khám sàng lọc để phát hiện sớm nguy cơ, mầm mống bệnh tật, điều trị kịp thời...”.

Bộ trưởng Y tế
Nguyễn Thị Kim Tiến

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ở nước ta rộng khắp từ T.Ư đến xã, phường đều bao phủ hệ thống y tế, thậm chí còn có cả y tế thôn bản thông qua hệ thống các cô đỡ thôn bản. Hiện cả nước có 11.400 TYT xã bao gồm cả mạng lưới y tế thôn bản; gần 99% xã, phường và thị trấn đã có nhà trạm; 87,5% trạm có bác sĩ; 97% có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; gần 75% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, trong đó ở nông thôn, miền núi là 96%.

 Y tế đã “tiến sát” dân giúp người dân, đặc biệt là vùng sâu vùng xa đi lại khó khăn được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được tiêm chủng, phòng dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Đến nay, đã triển khai khám chữa bệnh BHYT tại khoảng 80% tổng số TYT.

Tuy nhiên, nhiều TYT vẫn chưa sử dụng hết cơ sở vật chất, năng lực nên xảy ra tình trạng lãng phí. Tại 3 TYT của Hà Nội: Xã Minh Châu (Ba Vì), xã Tân Hội (huyện Đan Phượng) và phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), đoàn kiểm tra do Bộ trưởng Y tế dẫn đầu nhận xét, hiện nay người dân ít đẻ ở xã (năm 2017 tại Minh Châu có 25 ca), trong khi đó, các TYT dành quá nhiều phòng cho việc chăm sóc quản lý thai sản, sinh đẻ như phòng tư vấn khám thai, phòng chờ đẻ, phòng đẻ, phòng thủ thuật, phòng đặt vòng... nhưng lại thiếu phòng truyền thông tư vấn sức khỏe, phòng khám bệnh còn chật chội. Bộ trưởng Kim Tiến yêu cầu các TYT phải sắp xếp lại các phòng này cho hợp lý, tránh dàn trải, sử dụng không hết...

Đặc biệt, tình trạng sổ sách chồng chéo khiến nhiều cán bộ kiểm tra choáng váng. Một nhân viên TYT xã Minh Châu cho biết, cả trạm “tính sơ sơ” có khoảng 70 đầu sổ các loại như sổ khám bệnh, sổ quản lý tiêm chủng, quản lý huyết áp, dân số, uống vitamin… Chỉ riêng y tế dự phòng cũng có tới 9 sổ quản lý. Còn sổ khám sức khỏe, nhân viên y tế đã phải ghi tới 3 cuốn: Sổ khám sức khỏe, sổ khám điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh án bác sĩ gia đình.

Nhiều dịch vụ chưa cung cấp được

Ông Phan Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả bao gồm 78 dịch vụ kỹ thuật và 241 thuốc. Dù đây là mức tối thiểu phải cung cấp nhưng nhiều TYT xã vẫn không đáp ứng được như siêu âm, điện tim. Nguyên nhân có thể do thiếu trang thiết bị hoặc thiếu nhân lực. Ngoài ra, quy định giao quỹ khám chữa bệnh cho TYT không quá 20% quỹ khám chữa bệnh ngoại trú như hiện nay cũng đang “bó buộc” TYT xã. Do đó, theo ông Toàn, Bộ Y tế đang có kiến nghị Chính phủ bỏ quy định này, nhằm tạo điều kiện cho TYT xã chủ động triển khai các dịch vụ khám chữa bệnh theo năng lực, thực khám thực thu.

Theo ông Toàn, với đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới được Chính phủ phê duyệt cuối năm 2016, Bộ Y tế đang có nhiều chương trình hành động nhằm xây dựng năng lực cho y tế cơ sở.

Mô hình TYT xã mới sẽ được đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở. TYT “chuẩn” cần đảm bảo cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn, cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị.

Theo đề án, mục tiêu đến năm 2020, ít nhất 90% số TYT có đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 95% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; phấn đấu 90% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe; hoàn thiện việc đầu tư TYT các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.