Dân Việt

Kênh đào biến Đồng Tháp Mười thành vùng màu mỡ (Kỳ cuối)

Trần Hữu Thắng 04/07/2018 20:31 GMT+7
Quá trình thay đổi sở hữu đất đai hầu như đi cùng với sự ra đời của những kênh xáng. Yếu tố này là dấu hiệu sự xâm nhập của kinh tế tư bản chủ nghĩa vào nông thôn Việt Nam, phá vỡ hình thái kinh tế phong kiến.

Lục tỉnh Nam Kỳ đầu thế kỷ 19 là vùng đồng bằng phần lớn ngập nước. Nhiều vùng ở Tây Nam Bộ ngập mặn, nhiễm phèn, đất rộng mà không canh tác được. Vua chúa nhà Nguyễn và nhất là người Pháp đã dùng sức lao động của người dân Việt Nam để làm nên một hệ thống kênh dẫn nước khổng lồ, đan kín đồng bằng Nam Bộ. Chính hệ thống kênh đào này đã thau chua, rửa mặn, hồi sinh cho cả một vùng đồng bằng rộng lớn, phát triển nông nghiệp. Ngoài chuyện phục vụ người Pháp khai thác thuộc địa một cách triệt để, hệ thống kênh đào cũng đã làm nên một vùng đồng bằng sông Cửu Long mênh mông sông nước và tràn trề sức sống đến tận ngày nay. Tạp chí Khám phá trân trọng giới thiệu loạt bài nghiên cứu của tác giả Trần Hữu Thắng, Giảng viên Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh về hệ thống kênh đào thời Pháp thuộc ở vùng Đồng Tháp Mười.

Ngoài cây lúa, chính quyền thuộc địa đã thử nghiệm và trồng nhiều cây khác có giá trị kinh tế cao, chẳng hạn như:

- Cây dứa (Cocotier): việc trồng dứa không phổ biến và bị phân mảnh nhỏ nhưng cũng có nhiều cánh đồng diện tích mỗi mảnh từ một ha trở lên, đặc biệt là trên cả hai mặt của kênh 12 (huyện Tân Thạnh và huyện Thạnh Hóa thuộc tỉnh Long An ngày nay), ở phía đông nam vùng Đồng Tháp Mười và trong khắp khu vực của nó. Trái dứa dùng để nấu nước đường (ngâm đường), nước dứa ép...

Ngày nay, với hệ thống thủy lợi hoàn thiện hơn nên cây dứa được trồng nhiều nơi trong vùng Đồng Tháp Mười mà diện tích trồng dứa lớn nhất thuộc về huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang). Với diện tích trung bình từ 12.000 ha đến 16.000 ha, sản lượng đạt trên 200.000 tấn/1năm.

- Khoai tây: có nguồn gốc từ Đông Ấn, nó có nhiều màu sắc khác nhau: vàng đỏ, tím hoặc “nâu đỏ”... được trồng xung quanh vùng Đồng Tháp Mười.

- Cao su (caoutchouc): Cây cao su Hevea brasiliensis đem từ Mã Lai về trồng ở Đông Dương năm 1897 (ở Sài Gòn). Năm 1905 cạo mủ, thấy sản xuất được nên bắt đầu phát động trồng nhiều nơi. Khí hậu là yếu tố đáng lưu ý, sự phong phú cũng như màu mỡ lạ thường của đất ở Đông Dương mà đặc biệt là Nam Kỳ với loại đất xám là điều kiện hoàn hảo cho cây trồng này phát triển. Nhưng đất này chưa phải là duy nhất để trồng cây cao su.

img

Nhà máy chế biến cao su của hãng Michelin ở Đồng Nai

Đất phù sa được bồi đắp bao quanh vùng Đồng Tháp Mười, cũng có vẻ phù hợp với cây có biệt hiệu “vàng trắng” này. Trong thực tế, người Pháp đã thử nghiệm trồng một ngàn mẫu ở phía Bắc kênh Trà Cú Thượng, phía Đông của Bình Thạnh, song không thành công.

Cùng đó, các cây sắn, mía cũng được trồng nhiều nơi trong vùng Đồng Tháp Mười với diện tích và sản lượng không đáng kể.

Trước thế kỉ XX, Đồng Tháp Mười được biết đến là nơi hoang hóa, chua - phèn, ngập úng vào mùa mưa và lũ lụt, thưa người. Phải khẳng định rằng, đây là vùng có tiềm năng về trồng lúa, chăn nuôi và khai thác sản vật từ thiên nhiên (cá, rừng tràm, mật ong...).

img

Dưới triều Nguyễn, Đồng Tháp Mười đã được khai hoang nhưng chủ yếu diễn ra ở vùng ven nơi có điều kiện thuận lợi về giao thông, gần các đô thị như Tân An và Mỹ Tho. Thời kì thuộc Pháp, vùng Đồng Tháp Mười có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là trong nông nghiệp. Các công trình thủy nông được người Pháp đầu tư với quy mô lớn, tạo nên bước độ phá, mang lại nhiều thành quả trong khai hoang và làm chuyển biến kinh tế, xã hội vùng đất chua - phèn.

Trong suốt thời gian thống trị (1867 - 1954), với chính sách kinh tế của thực dân Pháp vẫn là khai thác thật nhanh làm giàu mau chóng cho chính quốc. Từ đó, công việc đào kênh ở Đồng Tháp Mười cũng thể hiện chủ trương “dễ làm trước”. Vì thế, số lượng kênh đào ở Đồng Tháp Mười rất khiêm tốn so với các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Gò Công, Mỹ Tho...

Tuy nhiên, hệ thống kênh đào thời kì này đã tác động làm thay đổi diện mạo vùng Đồng Tháp Mười. Trong đó, kênh đào trở thành công cụ giúp người Pháp khai hoang có hiệu quả hơn. Trước tiên vẫn là sự tăng nhanh về diện tích đất canh tác, chất lượng đất được cải thiện do được “thoát úng, thau chua, rửa phèn”.

Quá trình thay đổi sở hữu đất đai hầu như đi cùng với sự ra đời của những kênh xáng. Yếu tố này là dấu hiệu sự xâm nhập của kinh tế tư bản chủ nghĩa vào nông thôn Việt Nam, phá vỡ hình thái kinh tế phong kiến. Nông dân bị mất đất, đời sống cơ cực, tương lai đen tối, không lối thoát. Đây là những nguyên nhân tạo nên mâu thuẫn giữa nông dân bản xứ với chủ nghĩa thực dân.

img

Những chuyển biến kinh tế nông nghiệp vùng Đồng Tháp Mười diễn ra trong trồng trọt và cả chăn nuôi. Nhưng qua thực tế khai thác của tư bản Pháp, chúng tôi nhận thấy rằng, nghề chăn nuôi chủ yếu là theo truyền thống đó là chăn thả theo đàn và khai thác có sẵn trong thiên nhiên. Nông nghiệp trồng lúa vẫn là ưu tiên hàng đầu để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu đem về lợi nhuận cho tư bản chính quốc.

Tuy còn nhiều hạn chế trong thái độ về nghiên cứu, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi để khai thác vùng Đồng Tháp Mười, song sự chuyển biến trong kinh tế nông nghiệp của vùng là mặt tích cực đáng ghi nhận. Kênh đào trở thành khâu đột phá trong khai hoang và phát triển vùng Đồng Tháp Mười.