Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, toàn tỉnh có hơn 8.000ha mía, tập trung chủ yếu tại các huyện: Bến Lức (5.900ha), Thủ Thừa (1.400ha), Đức Hòa, Đức Huệ (trên 650ha). Dự tính, đến năm 2020, diện tích này sẽ giảm còn 3.000-4.000ha.
Ông Hai Long (Nguyễn Văn Long, xã Lương Hòa, Bến Lức, Long An) ngồi xem thương lái thu mua mía trên đồng. Theo ông, thương lái thu mua mía với giá rất thấp, chỉ đủ tiền phân, nhưng không bán mía sẽ chết khô trên đồng.
Hiện, tình hình sản xuất mía trong tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn do giá thấp, nhà máy nợ tiền nông dân, khan hiếm nhân công, nhất là khi thu hoạch; chi phí vận chuyển, đầu tư sản xuất tăng cao, lượng đường tồn kho lớn.
Vừa qua, nhiều diện tích mía trên địa bàn tỉnh phải bỏ chết khô ngoài đồng do giá rẻ. Nông dân bán mía phải nhận đường vì Nhà máy Đường Nivl (huyện Bến Lức) nợ trên 100 tỉ đồng, không có khả năng chi trả.
Dự kiến đến năm 2020, diện tích mía ở Long An chỉ còn 3.000-4.000ha.
Ông Nguyễn Huệ-một nông dân trồng mía vừa bán hơn 10ha mía cho Nhà máy Đường Nivl cho biết, những năm trước, nhà máy cũng thường xuyên thiếu nợ gối đầu nông dân, dù chậm nhưng vẫn trả bằng tiền. Năm nay, giá mía không tính theo chữ đường mà mua khoán 670.000 đồng/tấn. Điều đáng nói, nông dân không được nhận tiền mà phải nhận đường với giá quy đổi 12.000-13.000 đồng/kg. Nông dân yêu cầu nhận đường loại tốt nhưng nhà máy lại đưa loại đường chất lượng kém.
Theo Đề án phát triển mía đường của Bộ NNPTNT, đến năm 2020, tổng diện tích mía nguyên liệu trên cả nước sẽ đạt 300.000ha. Trong đó, vùng nguyên liệu tập trung hơn 285.500ha. Vùng ĐBSCL được phân bổ 44.000ha. Phần tỉnh Long An được phân bổ 8.500ha mía trong đề án trên.