Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa đã làm cho diện tích bưởi Diễn giảm đi đáng kể, cộng với việc thiếu đầu tư chăm sóc nên bưởi bị thoái hóa, sâu bệnh, nhiều hộ đã chặt bưởi để trồng cây khác.
Không đành lòng nhìn đặc sản của quê hương mai một, anh Vũ Văn Hải (thôn Phú Diễn, xã Phú Diễn) đã nghiên cứu, ghép giống những gốc bưởi Diễn chính gốc ra để duy trì nguồn gen. Lúc đầu anh chỉ dám nhân giống từ 6 sào bưởi Diễn 8 - 20 năm tuổi của gia đình mình ra để trồng và bán giống cho các hộ trong xã.
Anh Vũ Văn Hải chăm sóc vườn bưởi Diễn bonsai. |
Thấy nhu cầu giống ngày càng lớn, anh mạnh dạn mua lại những cây bưởi cổ thụ có chất lượng tốt của những hộ không có điều kiện chăm sóc để cấy ghép, nhân giống. Và mỗi năm anh bán ra thị trường hàng nghìn gốc bưởi giống.
Hiện, anh Hải có tới 2ha bưởi, trong đó hơn nửa đã cho thu hoạch. "Riêng bưởi từ 15 - 20 năm tuổi hiện tôi có hơn 1.000 gốc, mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 20.000 quả. Trung bình từ 40 - 60.000 đồng/quả, trừ chi phí lãi khoảng 300 triệu đồng" - anh Hải cho hay.
Theo anh Hải, trồng bưởi Diễn không khó, nhưng để bưởi ngon, năng suất cao thì rất cầu kỳ. Thứ nhất, bưởi phải được trồng vào mùa xuân, đất không được ẩm quá và phải ủ gốc bằng bùn ao. Phân bón nhất thiết phải là phân chuồng hoai mục, lân, hạn chế dùng đạm.
Quan trọng nhất vẫn là thời kỳ bưởi ra hoa. Muốn quả đậu nhiều, phải "điều chỉnh" cho bưởi ra hoa trong Tết, bởi ra Giêng mưa xuân hoa sẽ bị rơi và khó thụ phấn. Khi bưởi đậu quả, cần chú ý bởi thời kỳ này quả rất dễ mắc bệnh nấm quả, muội cám. Với các bệnh này nếu không xử lý kịp thời quả sẽ bị rụng.
Không chỉ vậy, năm 2006 anh Hải mày mò trồng ghép bưởi, cam thành cây bonsai để bán trong dịp Tết. Những gốc bưởi tuy thấp, bé nhưng thế đẹp và có đến hàng chục quả bụ bẫm đã được rất nhiều khách hàng lựa chọn chơi Tết. "Mỗi năm tôi bán khoảng 120 gốc bưởi cảnh, giá từ 4 - 15 triệu đồng/gốc, 100 gốc cam cảnh, giá từ 1 - 8 triệu đồng/gốc, trừ chi phí lãi 200 triệu đồng" - anh Hải khoe.
Nam Tùng Sơn