Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng tại Hội nghị Tổng kết lúa thu đông 2011 và phát triển cánh đồng mẫu lớn 2012 (CĐML) do Cục Trồng trọt vừa tổ chức.
Lợi nhuận tăng cao
Với tổng diện tích hơn 7.800ha cùng sự tham gia của 6.400 hộ nông dân trong lần thí điểm đầu tiên, CĐML được đánh giá là một cải tiến rất lớn của ngành nông nghiệp.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở Long An. |
Theo Cục Trồng trọt, mục tiêu của mô hình CĐML nhằm thực hiện tốt việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất. Qua đó, nâng cao năng suất bình quân toàn vùng, gia tăng chất lượng lúa và làm nền tảng cho việc sản xuất lúa theo VietGAP.
Ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: "Do diện tích canh tác bình quân của từng hộ nông dân ta rất nhỏ, chỉ khoảng 1,08 ha/hộ trong khi việc sản xuất lúa ngày càng hiện đại, những cánh đồng lớn, những vùng nguyên liệu đủ sức cung ứng cho chế biến, xuất khẩu từ vài ngàn đến vài chục ngàn ha là yêu cầu tất yếu".
Theo ông Dư, vụ hè thu 2011, CĐML được thực hiện tại 12 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và tỉnh Tây Ninh với những thành công ban đầu rất thuyết phục. Theo đó, lợi nhuận tăng thêm so với khu vực sản xuất ngoài mô hình đạt từ 2,5 - 3 triệu đồng/ha. Cá biệt, có tỉnh như Trà Vinh, lợi nhuận tăng thêm đạt đến 7,5 triệu/ha, nâng tổng lợi nhuận bình quân đạt mức 26 - 27 triệu đồng/ha.
Trong khi giá thành sản xuất giảm nhiều do nông dân sử dụng đồng nhất 1 - 2 loại giống cấp xác nhận I hoặc cấp xác nhận II trên cùng một cánh đồng, áp dụng phương pháp sạ hàng, lượng giống gieo chỉ từ 100 - 120kg/ha so với mức thông thường từ 130kg/ha. Ngoài ra, chi phí phân bón giảm từ 480.000 đồng/ha, thuốc BVTV giảm 110.000 đồng/ha.
Đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu
Một đặc điểm của sản xuất lúa hàng hóa ở ĐBSCL là phần lớn hộ nông dân khi thu hoạch lúa thường bán ngay cho thương lái. Nếu có phơi khô cũng bán đến 95% sản lượng lúa, rất ít hộ giữ lúa tại nhà với thời gian trên 1 tháng/vụ. Việc này khiến nông dân thường bị thương lái ép giá, tranh mua nguyên liệu…
Tham gia mô hình CĐML, Công ty Angimex vừa cung ứng giống, phân bón cho nông dân vừa thu mua lúa với giá cao hơn giá thị trường từ 200 - 300 đồng/kg. Còn Công ty cổ phần BVTV An Giang lại giúp nông dân vận chuyển, sấy và lưu kho trong thời gian 30 ngày. Những mô hình liên kết này bước đầu hình thành các mô hình khép kín từ sản xuất đến thu mua, có sự liên kết của nhiều đơn vị tổ chức sản xuất và tiêu thụ.
"Xưa nay DN chỉ thu mua lúa theo cách "chộp giật". Nông dân vì cần vốn quay vòng cho vụ tiếp theo mà phải bóp bụng bán lúa ép giá. Khi liên kết hỗ trợ nông dân sản xuất lúa, chúng tôi được đảm bảo về nguồn hàng cho xuất khẩu, cả về số lượng và chất lượng" - ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Công ty BVTV An Giang chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT
Bùi Bá Bổng
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Văn Dư nhấn mạnh: "Không thể hình thành thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam nếu không có vùng sản xuất đủ tiêu chuẩn, CĐML từng bước giúp nông dân sản xuất theo đơn đặt hàng và theo kế hoạch cụ thể". Vẫn theo ông Dư, Việt Nam hiện có 210 DN tham gia xuất khẩu gạo, nếu mỗi DN xây dựng cho mình vùng nguyên liệu rộng 10.000ha thì sẽ có ít nhất 210.000ha sản xuất lúa nguyên liệu, chiếm khoảng 12,7% diện tích canh tác.
Trước những hiệu quả ban đầu trên, mô hình CĐML được nhân rộng ra trên diện tích khoảng 20.000ha trong vụ đông xuân 2012, hướng tới việc hình thành vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu sản xuất theo chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tập hợp nông dân cũng như kêu gọi DN tham gia vào mô hình cần giải quyết.
Thuận Hải