Mọi năm, vào thời điểm rộ mùa thu hoạch, lại cạnh tranh với sầu riêng miền Đông Nam bộ và Thái Lan nhưng giá sầu riêng ở địa bàn Đồng Nai nói riêng và miền Tây vẫn tăng vọt, thương lái mỏi chân săn tìm mà không đủ lượng hàng.
Cây sầu riêng là một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện Tân Phú (Đồng Nai). Ảnh: traicaydungmap
Theo một số vựa trái cây trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, gần đây thương lái Trung Quốc đang đổ về địa phương và sẵn sàng trả giá cao để gom hàng khiến giá sầu riêng tăng bất thường.
Ông Nguyễn Văn Quỳnh, nông dân trồng sầu riêng tại xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) cho biết, đầu vụ gia đình ông đã bán sầu riêng với giá 46.000 đồng/kg, cho biết: “Với mức giá trên, tôi rất hài lòng vì năm ngoái lứa trái đầu mùa tôi chỉ bán được hơn 30.000 đồng/kg. Vụ thu hoạch trước, chỉ cần các vườn sầu riêng đồng loạt có thu là ngay lập tức giá giảm mạnh. Nhưng năm nay giá sầu riêng vẫn đứng ở mức cao ngay cả khi nhiều nhà vườn cùng cắt bán”.
Đặc biệt, một số nhà vườn có sầu riêng thu hoạch sớm còn bàn được với giá từ 65.000-75.000 đồng/kg nên những ai có vườn sầu riêng, có thể thu về tiền tỷ cho mỗi hecta.
Theo các nhà vườn, giá sầu riêng chính vụ tăng liên tục từ thời điểm bắt đầu thu hoạch đến nay (đầu tháng 4 âm lịch) và nhiều khả năng giá cao nhất trong vụ thuận năm nay sẽ tương đương mức trung bình vụ nghịch trước đó.
Thương lái khắp nơi đổ về Đồng Nai thu gom sầu riêng xuất bán thị trường Trung Quốc. Ảnh: baodongnai
Giá vụ thuận thấp hơn vụ nghịch 10.000 đồng/kg thì nhà vườn vẫn có lợi hơn rất nhiều. Bởi chi phí đầu tư vụ thuận cao lắm là 8 triệu đồng/công so với hơn 20 triệu đồng/công nếu xử lý cho trái nghịch vụ, trong khi đó năng suất cho trái trong vụ thuận cao hơn vụ nghịch khoảng 500 kg/công.
Nhận định về thị trường trái cây hè năm nay, bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) cho rằng: “Năm nay, thị trường Trung Quốc khó tính hơn khi nhập hàng trái cây. Cụ thể, các đơn hàng nhập sầu riêng lần này thương lái giám sát chặt hơn về chất lượng và một số đơn hàng đã yêu cầu truy xuất nguồn gốc”.
Ở thị trường nội địa, sầu riêng cũng được người tiêu dùng săn đón, nhất là sầu riêng miền Tây, do đó sầu riêng luôn có giá bán cao hơn so với một số mặt hàng trái cây khác. Ảnh: I.T
Tương tự, giá sầu riêng ở Bến Tre cũng đang tăng cao và khan hiếm hàng, nông dân trồng sầu riêng rất phấn khởi vì thu được lãi cao. Ông Nguyễn Văn Tùng, nhà vườn canh tác gần 1 ha sầu riêng ở ấp Trung Hiệp, xã Hưng Khánh Trung B (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết, khoảng một tuần nay, ngày nào cũng có thương lái đến tận vườn sầu riêng để thỏa thuận đặt mua. Hiện nay, sầu riêng Ri6 được thương lái thu mua khoảng 50.000 - 53.000 đồng/kg.
Tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 3.500 ha sầu riêng, với năng suất trung bình từ 15-20 tấn/ha/năm, tập trung chủ yếu ở huyện Chợ Lách. Các giống sầu riêng được trồng chủ yếu là Monthong, Ri 6 và Chín Hóa.
“Tuy phải cạnh tranh gay gắt với sầu riêng Thái Lan nhưng chúng tôi vẫn xuất khẩu đều đặn mỗi ngày 6 container sang thị trường Trung Quốc và một số nước khác. Chúng tôi phải lên miền Đông Nam Bộ thu mua mới đủ lượng hàng xuất khẩu. Tại Bến Tre và Tiền Giang, chúng tôi cũng có nhiều mối quen, thậm chí có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng lượng hàng ở đây hiện quá ít ỏi, ngay cả thị trường nội địa cũng không đủ cung”, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (huyện Chợ Lách, Bến Tre) cho biết.