Theo Times of India ngày 1/7, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã trình bản báo cáo về việc chi số tiền 5,7 tỷ USD để thực hiện thương vụ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga tới Bộ Tài chính và Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ để chính phủ phê duyệt lần cuối.
"Thương vụ mua S-400 sẽ được chuyển tới Bộ Tài chính để phê duyệt và Ủy ban an ninh do Thủ tướng đứng đầu đưa ra quyết định cuối cùng", nguồn tin từ Hội đồng mua sắm quốc phòng Ấn Độ chia sẻ với tờ Times of India.
Thương vụ mua bán S-400 đã được đề cập trước đó trong Hội nghị thượng đỉnh giữa Thủ tướng Modi và Tổng thống Putin tại Goa hồi tháng 10/2016. Tuy nhiên, Mỹ đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga
Quyết định trên của Bộ Quốc phòng Ấn Độ được đánh giá là bước ngoặt lớn trong chiến lược quốc phòng của nước này.
Bởi lẽ, chiểu theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA), Ấn Độ có thể sẽ phải nhận lệnh trừng phạt vì vi phạm những điều khoản cấm vận mà trước đó Washington đã áp đặt với Moscow.
CAATSA vốn được cho là đòn trừng phạt hiếm có, có tính toàn diện hơn so với các đạo luật trước đây nhắm vào Nga. Đạo luật này cũng nhắm tới các đối tác có hoạt động mua bán, trao đổi vũ khí và thông tin tình báo với Nga.
S-400 Triumf hiện được xem là hệ thống phòng không tối tân nhất của Nga. Hệ thống này có thể bắn hạ tên lửa và máy bay đối phương ở khoảng cách 400 km và đối với các tên lửa đạn đạo là 60 km.
Mỗi hệ thống S-400 có thể sử dụng ít nhất 4 loại tên lửa đánh chặn khác nhau và tấn công nhiều loại mục tiêu. Một tổ hợp S-400 có thể đánh chặn 36 mục tiêu cùng một lúc.
Tạp chí The Times India nhận định, hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga hoạt động hiệu quả trong việc chống lại các máy bay tiêm kích Mỹ F / A-18 Hornet và F-35 Lightning II.
The Times India còn cho rằng, tổ hợp phòng không THAAD của Mỹ có khả năng chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa, nhưng "hệ thống phòng không S-400 còn chứng minh hiệu quả trong việc đẩy lùi nhiều loại hình không kích, đặc biệt là các máy bay chiến đấu như F-18 và F-35".
Ngoài Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang chịu sức ép lớn từ phía Mỹ khi theo đuổi mua hệ thống phòng không tối tân của Nga.
Việc S-400 xuất hiện trên toàn cầu khiến Mỹ vô cùng lo lắng. Bởi lẽ, nếu sở hữu S-400, nhiều quốc gia sẽ cải thiện khả năng chống xâm nhập, chống tiếp cận (A2/AD) đối với vùng chủ quyền quốc gia.