Dân Việt

Người mẫu nổi tiếng Việt Nam: Kẻ vô danh giữa làng chân dài thế giới?

Nguyên Bảo 03/07/2018 14:25 GMT+7
Người ta thường bảo “mọi thứ lấp lánh chưa chắc đã là vàng".

Việc gắn mác “người mẫu quốc tế” chưa bao giờ kém hấp dẫn trong hồ sơ cá nhân của một người mẫu. Vì nó có thể giúp họ nâng tầm đẳng cấp trong mắt mình và mắt đồng nghiệp. Tuy nhiên, như câu nói khá trần trụi của chân dài Thùy Dương “Người mẫu Việt Nam không hề có tiếng tăm, nhưng họ lại mang cái mác đó về thị trường trong nước và rất được trọng dụng, được trả mức cát-xê cao hơn” từng khiến nhiều người giật mình.

img

Sự cạnh tranh gay gắt giữa các người mẫu để gây được sự chú ý với các nhãn hàng, nhà thiết kế.

Không phủ nhận những kinh đô thời trang lớn của thế giới luôn là ánh hào quang hấp dẫn với nhiều người mẫu. Nhưng nó có thực sự là “miền đất hứa” hay không thì chỉ có những người trong cuộc mới trả lời rõ nhất.

Trang Khiếu là một trong những cái tên tiên phong vùng vẫy biển lớn sau khi chinh phục và xây dựng được tên tuổi ở thị trường thời trang Việt Nam. Việc góp mặt trong nhiều show diễn hay xuất hiện trên bìa của các tạp chí mốt thế giới, với nhiều người có thể đem nó ra để “khoe”, để “sính ngoại”. Nhưng quán quân Việt Nam’s Next top Model 2010 lại khiêm tốn cho rằng: “Có thể ở Việt Nam, cái tên Trang Khiếu đã có chút thành tựu, nhưng ở những nền công nghiệp to bự như thế, Trang vẫn là kẻ mới toanh. Một lính mới hoàn toàn”. Cô không tự “gắn mác” “người mẫu quốc tế” hay “siêu mẫu” mà luôn cẩn thận nhận mình là “người mẫu từng làm việc tại thị trường quốc tế”. Và thực tế đã chứng minh, các người mẫu Việt muốn trụ vững được ở thị trường quốc tế, không hề đơn giản như việc "xách ba lô lên và đi".

Để Tây tiến, các người mẫu phải chuẩn bị các điều kiện "cần" như: thời gian, sức khỏe, ngoại ngữ và cả tiền bạc. Đặc biệt, yêu cầu với người mẫu ở nước ngoài, đòi hỏi về thể hình cực kỳ khắt khe. Các nhà tuyển dụng hoặc các công ty quản lý người mẫu thường yêu cầu nữ cao từ 1m76, nam từ 1m82 trở lên. Thậm chí những show diễn mà trang phục thời trang được đặt may riêng do các hãng nổi tiếng thực hiện thì nữ bắt buộc phải cao trên 1m78, đặc biệt họ còn đặt ra yêu cầu vòng 3 của nữ dưới 88cm.

img

Những cái tên như Hoàng Thùy, Trang Khiếu...đã thực sự vươn ra khỏi làng mẫu trong nước.

Nghĩa là người mẫu nữ phải rất gầy mới có thể chui vào được những bộ đồ trình diễn trong những sô này. Việc tập luyện thể thao và cách diễn của người mẫu cũng tuân theo những chế độ và yêu cầu hết sức nghiêm ngặt. Nữ thường bắt đầu nghề người mẫu từ rất sớm, độ khoảng 13-14 tuổi. Nam vào nghề muộn hơn, thường từ 16 tuổi. Vì thế các người mẫu Việt thường dư “tuổi đời” nhưng lại non về “tuổi nghề” so với các người mẫu nước ngoài.

Ở Việt Nam, sự canh tranh giữa các người mẫu không nhiều do thị trường thời trang trong nước nhỏ hẹp. Nếu đem so với thị trường thời trang quốc tế thì chưa thấm gì. Bạn thử tưởng tượng, ở những kinh đô thời trang lớn như New York, London hay Paris thì giấc mơ được diễn trên sân khấu là của hàng triệu chàng trai, cô gái. Nên nếu không thật sự ấn tượng và xuất sắc, việc xuất hiện chớp nhoáng vài giây trong show diễn cũng là một “giấc mơ” khó có thật.

Như Thùy Trang, một người mẫu xuất thân từ cuộc thi Vietnam's Next Top Model 2011 cho rằng cửa cạnh tranh và trúng tuyển trong buổi casting ở thị trường thời trang quốc tế là vô cùng hẹp: “Mẫu Việt hiếm hoi tham gia Paris Fashion Week, cho hay tỷ lệ cạnh tranh của thị trường quốc tế là một chọi hàng trăm, hàng nghìn. Chính vì vậy, để có được show diễn, ngoại hình đẹp chưa phải tất cả, yếu tố may mắn chiếm hơn 50%”.

img

Thùy Trang: "Tỷ lệ cạnh tranh của thị trường quốc tế là một chọi hàng trăm, hàng nghìn"

Người mẫu Việt ở nước ngoài là cuộc chinh chiến thật sự chứ không màu hồng như nhiều người vẫn tưởng. Việc di chuyển liên tục cũng là một vấn đề mà các người mẫu bắt buộc phải thích nghi. Đặc biệt, trên tay các người mẫu, hồ sơ năng lực cá nhân (portfolio) với những bức hình ấn tượng đậm chất Á đông là “vật bất ly thân” không thể thiếu.

Đây là toàn bộ “gia tài” bạn phải trưng ra để nhà tuyển dụng quyết định xem bạn có phải là gương mặt phù hợp với họ hay không. Sau khi qua được vòng hồ sơ, bạn sẽ có 30 giây ngắn ngủi để thể hiện tất cả những gì bạn có để gây ấn tượng. Trong phòng casting, giữa hàng trăm nghìn đối thủ và đến từ nhiều quốc gia khác nhau, bạn phải gây được sự chú ý mạnh mẽ đến các nhà tuyển dụng- một điều không hề đơn giản chút nào!

Nike - adidas: ”Cuộc chiến” tranh giành thị phần World Cup khốc liệt

Lịch sử tái diễn với adidas hay Nike lật ngược “thế cờ“ để thắng thế trong mùa World Cup 2018?