Tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ báo cáo tình hinh kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm quán triệt các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Nhiều văn bản luật chưa hợp lý
Thứ trưởng Thừa đánh giá tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2017. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) đã có những bước tiến rõ rệt, góp phần thúc đẩy tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương đã mang lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công.
Số ít văn bản quy phạm pháp luật chưa hợp lý, gây khó khăn, bất cập khi triển khai trong thực tiễn, điển hình như quy định liên quan đến Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. PLO
Tuy nhiên, Thứ trưởng Thừa cũng cho biết, thời gian qua vẫn còn tình trạng số ít văn bản quy phạm pháp luật có những quy định chưa hợp lý, dẫn đến khó khăn, bất cập khi tổ chức triển khai trong thực tiễn, điển hình như quy định liên quan đến Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
Ngoài ra, một số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các bộ chủ trì soạn thảo chưa đạt yêu cầu, chất lượng chưa cao và phải lùi thời điểm trình, ban hành so với tiến độ đề ra.
Đối với, công tác cải cách tổ chức bộ máy, báo cáo của Bộ Nội vụ cho rằng cơ cấu số lượng lãnh đạo cấp phòng thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh ở một số nơi còn chưa hợp lý. Vẫn còn tình trạng lãnh đạo nhiều hơn số lượng công chức không giữ chức vụ lãnh đạo. Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn khó khăn, vướng mắc, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Một số địa phương công khai số liệu, kết quả giải quyết TTHC trên phần mềm còn chưa đúng so với kết quả kiểm tra thực tế. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn phổ biến ở một số lĩnh vực trọng tâm, như: đất đai, xây dựng, lao động thương binh và xã hội...
Giải quyết hồ sơ trực tuyến còn chậm
Việc giải quyết TTHC bằng hình thức trực tuyến cũng là một vấn đề nan giải tại nhiều địa phương. Theo Bộ Nội vụ, việc triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử còn chậm. Mặc dù có nhiều TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4; thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích, nhưng số thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ còn rất thấp.
Tại đầu cầu truyền hình địa phương, đại diện các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Thuận, Quảng Ninh, Lào Cai… đề nghị Hội đồng tư vấn CCTTHC, các bộ, ngành cần hỗ trợ nhiều hơn nữa việc kết nối, thống nhất cổng giải quyết hồ sơ trực tuyến để giải quyết TTHC và quản lý nhà nước tại địa phương được thông suốt, đồng bộ.
Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đã triển khai phần mềm Egov quản lý hồ sơ một cửa, bảo đảm liên thông nhưng chưa thể kết nối với các phần mềm do bộ, ngành triển khai để chia sẻ dữ liệu.
Tỉnh Đồng Nai cũng đang triển khai mô hình “phi địa giới” trong giải quyết TTHC. Theo đó, người dân, doanh nghiệp có thể lựa chọn nơi nộp hồ sơ TTHC sao cho thuận lợi nhất.
Do vậy, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Hội đồng tư vấn CCTTHC, Văn phòng Chính phủ chấp thuận cho các địa phương được tiếp nhận hồ sơ hành chính thuộc thẩm quyền của bộ, ngành. Sau đó, địa phương sẽ chuyển liên thông hồ sơ đến bộ, ngành xử lý và trả kết quả giải quyết nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Việc giải quyết hồ sơ trực tuyến còn chậm tại nhiều địa phương. Ảnh: Chí Cường
Tỉnh Quảng Ninh thì đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ Quyết định thí điểm thành lập Trung tâm Hành chính công cấp huyện trực thuộc UBND cấp huyện, tỉnh Quảng Ninh.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Thừa cho biết Văn phòng Chính phủ đang khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước nhằm bảo đảm sự thống nhất, xuyên suốt trong hoạt động gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước các cấp.
Sắp tới, Bộ Nội vụ sẽ giúp Chính phủ tiếp tục hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016 – 2020; tiếp tục triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Về phần mình, Bộ Nội vụ cũng nêu đề xuất, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các nghị định quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện để làm cơ sở cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy ở địa phương. Chính phủ cần sớm quy định danh mục các TTHC hoặc nhóm TTHC (do nhiều cơ quan tham gia giải quyết) bắt buộc thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất triển khai trong cả nước; giảm phiền hà và giảm thời gian, chi phí cho người dân, tổ chức. |