Cổ phiếu VEA giảm mạnh ngày chào sàn (Ảnh: IT)
Làm ăn “bết bát”, chủ yếu dựa vào các công ty liên doanh, liên kết, cổ phiếu VEA đã kém hấp dẫn nhà đầu tư ngay ở phiên chào sàn. Dù được nhiêm yết với giá 27.600 đồng/cổ phiếu nhưng chốt phiên buổi sáng chào sàn ngày 2.7, VEA niêm yết ở giá 26.500 đồng/cổ phiếu, trong khi có lúc giá đã xuống mức thấp nhất ở 25.000 đồng/cổ phiếu. Bước sang phiên buổi chiều, dù VEA vẫn được khối ngoại “đỡ giá” nhưng tiếp tục giảm thêm 500 đồng về 26.000 đồng/cổ phiếu.
Công ty Cổ phần (VEAM) tiền thân là Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên, hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ - Công ty Con, thuộc Bộ Công Thương được thành lập ngày 12.5.1990 với mục tiêu trọng tâm của ngành cơ khí Việt Nam là Công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay VEA chưa để lại bất cứ một dấu ấn gì về sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thậm chí, VEA còn là đơn vị hoạt động kém hiệu quả, làm ăn liên tục thua lỗ và phụ thuộc chủ yếu vào các Công ty liên doanh liên kết
Cụ thể, báo cáo tài chính của VEA cho thấy năm 2017, VEA ghi nhận 5.170 tỷ đồng lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết, thì trong đó lợi nhuận chủ yếu đến từ các công ty liên kết như Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam. VEAM đầu tư vào 3 “ông lớn” là Honda, Toyota, Ford với số vốn lên tới 6.315 tỷ đồng, trong đó Honda Việt Nam có giá trị lớn nhất với 5.121 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2017, giá trị hợp lý của 3 khoản đầu tư này là 9.130 tỷ đồng, chiếm tới gần 40% tổng tài sản của VEA.
Mặc dù là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy và sản xuất, lắp ráp xe tải với thương hiệu VEA Motor nhưng tài sản giá trị nhất của VEA lại là phần vốn góp liên doanh tại 3 hãng xe hàng đầu Việt Nam là Honda (VEA nắm giữ 30%), Toyota (20%) và Ford (25%). Đều đặn mỗi năm, các công ty liên doanh liên kết này mang về cho VEA hơn 5.000 tỷ đồng lợi nhuận.
Với 30% cổ phần tại Honda Vietnam, có thể nói đây là nguồn đóng góp chính vào lợi nhuận của VEA. Ước tính, Honda Vietnam đạt doanh thu thuần năm 2017 là 86,8 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 13%) và lợi nhuận sau thuế đạt 14,95 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 12,1%). Theo số liệu năm 2017, Honda Vietnam nắm 71,5% thị phần xe máy, đem lại hơn 90% lợi nhuận, còn lại đến từ sản xuất ô tô.
Bên cạnh 3 Công ty liên doanh lớn này, VEA còn có 10 công ty liên doanh, công ty con chuyên về phụ tùng, trong đó có 4 công ty chuyên về sản xuất sản phẩm cơ khí cho các đối tác trong lĩnh vực sản xuất xe máy như Honda, Yamaha và Piaggio…
Năm 2017 hoạt động sản xuất chính từ công ty mẹ âm 123,8 tỷ đồng,nhưng may có các công ty liên doanh liên kết mới giúp VEA có lãi tới 5.170 tỷ đồng (Ảnh: IT)
Theo BCTC kiểm toán năm 2017, doanh thu thuần đạt 6.563 tỷ đồng, tăng trưởng 4,1%. Trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 5.046 tỷ đồng, tăng trưởng 12%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của hoạt động sản xuất chính từ công ty mẹ âm 123,8 tỷ đồng, trong khi năm 2016 là âm 71,4 tỷ đồng. Điều này không chỉ diễn ra gần đây mà chính là thực trạng đang tồn tại nhiều năm nay của VEA.
Theo kế hoạch, doanh thu thuần Công ty mẹ năm 2018 là 3.539 tỷ đồng (tăng trưởng 39,2%) và lợi nhuận sau thuế đạt 4.908 tỷ đồng (tăng 9,4 lần so với năm 2017); Cổ tức tiền mặt cho năm 2017 là 3,7% mệnh giá, tương đương 370 đồng/cp. Công ty đặt kế hoạch cổ tức tiền mặt cho năm 2018 là 28%, tương đương tỷ lệ cổ tức/giá là 10,1%.
Giới chuyên gia cho rằng, các lĩnh vực sản xuất của VEA về máy động lực, máy nông nghiệp nhiều năm nay toàn thua lỗ do đó, lợi nhuận của VEA trong những năm tới tiếp tục phụ thuộc rất lớn vào sự tăng trưởng của các công ty liên doanh, liên kết, đặc biệt là 2 hãng xe Honda và Toyota.