Dân Việt

Chủ vàng ép dân giao đất

25/12/2011 13:04 GMT+7
(Dân Việt) - Không chỉ mất đất sản xuất vì sạt lở bờ sông, nhiều hộ dân ở xã Thượng Long (Nam Đông, Thừa Thiên - Huế) còn bị đơn vị khai thác vàng ép giao đất để đào vàng và được đền bù với giá rẻ mạt.

Dân bị bắt chẹt

Dẫn chúng tôi ra bãi đất rộng hơn 1 mẫu nằm bên bờ sông A Ka đang bị biến thành một công trường đào đãi vàng, bà Trần Thị Don (ở thôn 4, xã Thượng Long) nghẹn lời: “Đất sản xuất của gia đình tui đó, vừa bị họ ép lấy để đào vàng”. Nói đoạn, mắt bà Don ứa nước và nhìn như thôi miên vào chiếc máy xúc của đơn vị khai thác vàng đang ngoạm từng khối đất lớn đổ vào máy đãi vàng đang gầm rú.

img
Đất sản xuất của gia đình bà Trần Thị Don ở thôn 4, xã Thượng Long đã bị biến thành bãi đào vàng.

Cách đây hơn một tháng, diện tích đất này của gia đình bà Don đang mơn mởn cây lồ ô, sắn, keo và nhiều loại hoa màu khác như đậu, ngô, rau... Bỗng một hôm, người của Công ty TNHH Quang Vinh tìm đến, nói gia đình bà phải giao đất để họ đào vàng và họ sẽ đền bù cây cối trên đất.

Bà Don và người nhà kiên quyết không giao đất vì đây là diện tích đất chủ yếu đã nuôi sống gia đình bà từ trước đến nay. Tuy nhiên, phía đơn vị khai thác vàng bảo rằng, chính quyền đã cấp đất cho họ, nên gia đình bà không thể không giao.

“Họ nói nếu không giao đất thì họ vẫn sẽ khai thác vàng trên đất này và sẽ không đền bù tiền một xu”- bà Don kể.

Không còn cách nào khác, gia đình bà Don phải nuốt nước mắt ký nhận giao đất cho đơn vị khai thác vàng và được đền bù vỏn vẹn 29 triệu đồng tiền cây cối. Anh Hồ Văn Lữ - con trai bà Don bức xúc: “Để có được diện tích đất đó, gia đình tui phải đổ biết bao mồ hôi, công sức khai hoang, cải tạo, thế mà họ bảo đây là đất nằm giữa lòng sông nên họ lấy và đền bù cây cối rẻ mạt. Mất đất sẽ khiến cuộc sống gia đình tui chồng chất khó khăn”.

Không chỉ gia đình bà Don, ở thôn 4 đến nay đã có 4 hộ dân bị buộc giao đất sản xuất để Công ty TNHH Quang Vinh đào vàng. Các hộ anh Phạm Văn Giới, Hồ Văn Đa, Hồ Văn Keng khi bị buộc giao đất đều phản đối gay gắt, nhưng cuối cùng vẫn phải ký nhận.

Thuộc diện hộ nghèo của địa phương, nên từ khi mất đất và được đền bù hoa màu tổng cộng 3 triệu đồng, cuộc sống của gia đình anh Hồ Văn Đa càng thêm khó khăn. “Chỉ có phát triển sản xuất mới thoát nghèo được, nhưng số đất ít ỏi khai hoang được đã bị biến thành bãi vàng rồi. Người nghèo như chúng tôi mà họ cũng không buông tha”- anh Đa thở dài.

Theo người dân thôn 4, đơn vị khai thác vàng không chỉ ép nhiều hộ dân giao đất, mà còn đào trộm vàng trên đất của nhiều hộ. Ít nhất đã có 13 hộ dân trong thôn có đất nằm bên bờ sông bị đào bới để lấy vàng. Người dân bức xúc ra ngăn cản, xua đuổi nhưng những người đào vàng không dừng lại mà ngày càng lấn tới.

“Bắt tay” làm khó dân?

Ông Trần Văn Thủ Đô - Thôn trưởng thôn 4 cho biết, khi người của đơn vị khai thác vàng về buộc dân giao đất, ông là người trực tiếp có mặt chứng kiến nên rất bất bình. “Tôi thấy bà con không ai chịu ký, nhưng phía người của công ty ép phải ký. Những người này nói nếu dân không ký thì sẽ phải chịu thiệt thòi, bởi đất đó chính quyền đã cấp cho công ty khai thác vàng. Bà con vì sợ hãi nên sau đó ai cũng phải ký”- ông Đô bức xúc kể.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Quang Vinh được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp giấy phép khai thác vàng trên sông A Ka trong thời gian từ tháng 6.2011 - 6.2013. Giấy phép này được cấp dựa trên cơ sở tờ trình ngày 18.3.2010 của UBND huyện Nam Đông gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tờ trình cho rằng: Việc khai thác vàng của Công ty TNHH Quang Vinh sẽ góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu dân sinh và giải quyết lực lượng lao động tại chỗ của huyện nhà…”(!).

Theo ông Đô, mặc dù những diện tích đất của những hộ dân trên là đất khai hoang, nhưng không nằm giữa lòng sông, nên việc giao cho công ty khai thác vàng là không hợp lý, bởi công ty này chỉ được cấp phép khai thác trong phạm vi lòng sông. Hơn nữa, nếu giao đất thì giữa dân và doanh nghiệp phải có sự thỏa thuận giá cả bồi thường chứ không thể hành xử theo kiểu “lấy thịt đè người” như trên. Theo nhiều người dân thôn 4, khi doanh nghiệp ép buộc dân giao đất, cán bộ của huyện cũng có mặt, nhưng không hề có phản ứng gì để bảo vệ quyền lợi người dân. Vì vậy, người dân nghi ngờ có sự “bắt tay” giữa những cán bộ này với doanh nghiệp.

Trong khi người dân bức xúc việc đơn vị khai thác vàng đào trộm vàng trên đất của dân và ép dân giao đất và ép dân giao đất thì ông Phan Thế Xê - Trưởng phòng TNMT huyện Nam Đông - khi trao trao đổi với NTNN lại cho rằng, những phản ánh trên của người dân là không đúng. “Cái này đã được thỏa thuận hết, không đụng vô được một tý của dân. Họ nói doanh nghiệp ép dân thì không bao giờ có, dân ép doanh nghiệp thì có. Đụng vô mô là họ đòi đền bù ghê gớm lắm, đòi thêm, đòi bớt”- ông Xê phân bua.