Dân Việt

Cơ sở dữ liệu dân cư là gì?

PV 02/07/2018 18:28 GMT+7
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa đề xuất Chính phủ cho thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành như ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác. Vậy cơ sở dữ liệu dân cư là gì?

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội sáng 2.7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Chính phủ cho TP Hà Nội được thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác.

Nếu được Chính phủ đồng ý, trước mắt mỗi năm thành phố Hà Nội dự kiến thu được trên 300 tỉ đồng từ việc chia sẻ dữ liệu này.

img

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung 

Theo Luật căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1.1.2016, cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đối với việc quản lý, khai thác và sử dụng CSDL quốc gia về dân cư, Luật Căn cước công dân quy định rõ, CSDL về dân cư là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. CSDL quốc gia về dân cư là CSDL dùng chung, do Bộ Công an quản lý.

Cơ quan quản lý CSDL chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; Công dân được khai thác thông tin của mình trong CSDL quốc gia về dân cư; tổ chức và cá nhân không thuộc quy định tại các điểm trên có nhu cầu khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý CSDL về dân cư theo quy định của pháp luật.

img

Cơ quan quản lý CSDL chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình (ảnh minh họa)

Cuối tháng 11.2017, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, chậm nhất vào ngày 1.1.2020 phải hoàn thiện, đưa vào sử dụng CSDL quốc gia về dân cư.

Dù đây là CSDL dùng chung cho các ngành, địa phương nhưng việc bảo đảm an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu phải được đặt lên hàng đầu.

Theo Bộ Công an, CSDL quốc gia về dân cư có vai trò rất quan trọng, tập hợp thông tin cơ bản nhất của công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, quản lý và lưu trữ bằng hạ tầng thông tin với việc mỗi một người sẽ được cấp một mã số định danh thay thế cho các giấy hành liên quan tới thân nhân.

Qua đó, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, xóa bỏ tình trạng công dân phải sử dụng nhiều loại giấy tờ. Đồng thời góp phần đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến tại các bộ ngành, địa phương và tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam.

img

Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, sau một thời gian triển khai thí điểm, dự án CSDL quốc gia về dân cư đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, nhất là hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai dự án; xây dựng hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; kết nối Trung tâm Căn cước công dân quốc gia và Trung tâm CSDL quốc gia về dân cư.

Theo đó, đã cấp gần 8 triệu số định danh cho công dân trên 16 địa phương thí điểm cấp thẻ căn cước công dân; 700.000 số định danh cho trẻ em mới sinh. Bên cạnh đó, Bộ Công an đã triển khai thu thập thông tin dân cư ở Phủ Lý (Hà Nam), tỉnh Hoà Bình, triển khai phần mềm quản lý dân cư ở Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, xây dựng quản lý dân cư ở TP.Hải Phòng và chuẩn bị nhiều công việc khác nhằm triển khai dự án CSDL quốc gia về dân cư.

Tuy nhiên, việc thí điểm còn nhiều tồn tại như tình trạng người dân di cư tự do, thiếu sự quản lý trên nhiều phương diện; tra cứu các thông tin về dân cư còn chậm, gây phiền hà cho tổ chức, công dân; phương pháp quản lý dân cư hiện nay còn lạc hậu, cơ bản là thủ công… Chính vì vậy, việc xây dựng CSDL quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc được đánh giá ngày càng quan trọng vì đây là CSDL nền tảng, tập hợp thông tin cơ bản nhất của tất cả công dân Việt Nam.