Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội ngày 2.7, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất Chính phủ cho TP.Hà Nội được thí điểm thu phí dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác.
"Nếu được Chính phủ đồng ý, trước mắt mỗi năm TP.Hà Nội dự kiến thu được trên 300 tỉ đồng từ việc chia sẻ dữ liệu này" - ông Chung nói.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Lãnh đạo TP.Hà Nội cũng đề xuất liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin. Cụ thể, TP.Hà Nội đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban ngành tháo gỡ các thủ tục, quy trình về thuê các dịch vụ công nghệ thông tin như: đường truyền, phần mềm dịch vụ công trực tuyến...
Đồng thời, Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ sớm có hướng dẫn, tháo gỡ các quy định về kết nối, chia sẻ các dữ liệu giữa các tỉnh, TP với các bộ, ban, ngành.
Trao đổi với báo chí để là rõ thêm về đề xuất này, Chủ tịch TP.Hà Nội lấy ví dụ: “Một người dân ở Hà Nội vào Sài Gòn làm thủ tục vay tiền, ngân hàng tra cứu chính xác 100%, ngân hàng sẽ trả tiền cho đơn vị cung cấp dữ liệu. Người dân có thể đi bất kỳ tỉnh nào, thi bằng lái xe không cần sổ hộ khẩu, không cần chứng minh thư, đơn vị tổ chức thi sẽ trả cho Trung tâm lưu trữ dữ liệu, họ trích một phần để duy tu, duy trì hệ thống, người dân thuận lợi mà lại lợi ích cho nền kinh tế rất lớn.
Về liên thông, ví dụ đi làm công chứng, gõ tên “Nguyễn Đức Chung” đúng số nhà, hộ khẩu thì cấp luôn, không cần phải chứng minh thư hay hộ khẩu, thì đơn vị, doanh nghiệp công chứng đấy mỗi lần tra cứu trả một trăm đồng, thì với 50 đơn vị công chứng trên địa bàn Hà Nội, mỗi năm thu đã 10 tỷ. Với ngân hàng thì mỗi năm có khoảng 24 triệu lần tra cứu, thì tiền thu về cũng rất lớn. Người dân không phải trả phí, không hề thu tiền người dân mà người dân lại thuận tiện vô cùng".
Cơ quan quản lý CSDL chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình (ảnh minh họa)
Theo Luật căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1.1.2016, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Từ năm 2011, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về việc Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn TP.
UBND TP giao Công an TP chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chwdcs tuyên truyền phố biến Nghị định 90/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành đến lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã. Đồng thời, xây dựng Kế hoạch thực hiện trình UBND TP thống nhất chỉ đạo triển khai việc xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn TP Hà Nội.
Cuối tháng 7.2017, TP cho biết đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội và khai thác hiệu quả phục vụ để triển khai các các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành của TP.