Vất vả nhưng an tâm
Ai đến thăm đàn gà nhà chị Nguyễn Thị Kim, thôn Dốc Phấn, xã Sơn Lâm cũng đều trầm trồ khen đẹp. Đàn gà 400 con mới hơn 60 ngày tuổi nhưng trọng lượng đã đạt 1,4kg/con mái và hơn 2kg/con trống. Tuy nuôi nhốt chuồng, nhưng con nào cũng nhanh nhẹn, lông mượt, chứ không béo núc chậm chạp, lông xù như giống gà trắng công nghiệp.
“Đây là giống gà lai Lương Phượng. Tôi úm gà con theo kỹ thuật được hướng dẫn nên tỷ lệ gà con bị chết rất ít. Ngày trước, gà con tôi cho ăn một loại cám viên và trong quá trình nuôi chẳng tiêm phòng gì cả. Nhưng gà của dự án có nhiều loại cám chia theo độ tuổi và được theo dõi, tiêm phòng”- chị Kim chia sẻ.
Chị Hoàng Thị Cảnh, thôn Suối Cỏ, là 1 trong 5 hộ của xã Hợp Hoà được Dự án Hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi gà an toàn sinh học và VietGAP. Mấy năm trước, gia đình chị nuôi gà đồi với số lượng 500-600 con/lứa, mỗi lứa từ 5-6 tháng. Cũng như nhiều hộ, việc phòng trừ bệnh chưa được quan tâm nên mỗi khi nghe có dịch bệnh gia cầm ở đâu, chị lại lo ngay ngáy.
“Nuôi gà an toàn sinh học phải có chuồng trại đàng hoàng, máng ăn, nước uống sạch sẽ. Lúc gà còn non, theo định kỳ tôi phải nhỏ vaccin vào mắt, mũi, gà tầm ngoài 30 ngày thì tiêm phòng...”.
Nói đến nuôi gà an toàn sinh học và VietGAP, ban đầu các hộ ai cũng lo không biết có theo được kỹ thuật hay không. Anh Hoàng Văn Dân ở thôn Đầm Đa, xã Hợp Hoà thổ lộ: “Tuy khó, nhưng nếu làm đúng kỹ thuật thì rất yên tâm. Cứ 4 ngày, chúng tôi lại vệ sinh chuồng rất kỹ. Trước tiên, hót hết lớp trấu cũ, lau chùi sạch nền chuồng, phun một lượt thuốc khử trùng, vãi lớp trấu mới rồi lại phun thêm một lượt thuốc khử trùng nữa nên yên tâm trước nguy cơ dịch bệnh...”.
Lo đầu ra
Dự án nuôi gia cầm an toàn sinh học và VietGAP hỗ trợ 9 hộ gia đình ở 2 xã Hợp Hoà, Lâm Sơn. Theo tiêu chí kỹ thuật, gà nuôi 70 ngày thì xuất chuồng, trọng lượng gà mái đạt từ 1,3kg, gà trống 1,9kg. Đến nay, tất cả gà của các hộ tham gia dự án đều đạt và vượt trọng lượng kỹ thuật của dự án, gà mái từ 1,3 - 1,4kg/con, gà trống từ 1,9 - 2,2kg/con.
Ông Nguyễn Văn Đính-Chủ tịch Hội ND xã Hợp Hoà cho biết: “Cái lợi lớn nhất thông qua dự án là người dân tiếp cận được với quy trình, kỹ thuật chăn nuôi gia cầm an toàn. Không chỉ 5 hộ dân được dự án hỗ trợ con giống, vật tư, mà hàng chục gia đình khác cũng biết kỹ thuật thông qua lớp tập huấn.
Khi tham quan trại gà của 5 hộ thuộc dự án, những hộ khác đều thấy nuôi gà an toàn sinh học và VietGAP khó, nhưng ND vẫn có thể áp dụng được. Trước nay nuôi gia cầm, ai cũng sợ rủi ro dịch bệnh, nhưng với mô hình nuôi an toàn sinh học, nỗi lo này không còn nên khiến các hộ mạnh dạn hơn trong đầu tư...”.
Về gà giống, các hộ đều công nhận giống gà Lương Phượng chân nhỏ, thịt chắc và thơm. Chi phí trong nuôi giống gà này cũng như áp dụng an toàn sinh học cao hơn so với giống gà trắng. “Điều tôi băn khoăn là không biết giá bán loại gà này như thế nào. Hiện dự án đã nghiệm thu, tôi đã gọi lái buôn vào xem gà. Nếu bán trên 40.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới có lãi và các năm sau mới có nhiều hộ đầu tư chăn nuôi theo mô hình này” - chị Hoàng Thị Cảnh, thôn Suối Cỏ thổ lộ.
Khác với chị Cảnh, chị Nguyễn Thị Kim, xóm Dốc Phấn, xã Lâm Sơn khẳng định: “Tuy chưa biết giá cả thế nào, nhưng chắc chắn bán dễ và giá bán phải cao hơn loại gà trắng công nghiệp. Sang năm, tôi vẫn nuôi giống gà này và áp dụng kỹ thuật an toàn sinh học như dự án đã tập huấn. Chúng tôi mong dự án giới thiệu cho địa chỉ cung cấp con giống”.
Phương Đông