Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam (ảnh PV).
Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam cho biết: Theo quy định của quốc tế, các tàu cảnh sát biển chủ yếu làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh trên biển bằng biện pháp dân sinh. Do đó theo quy định các pháo được trang bị cho tàu cảnh sát biển chỉ từ 23mm trở xuống.
"Hiện nay có thông tin các tàu hải cảnh của Trung Quốc đã được trang bị pháo loại 76mm hoặc lớn hơn, đó là thông tin trên trang mạng hoặc các báo mạng nói như vậy. Đó là thông tin chưa chính xác. Còn việc tàu của Trung Quốc thay việc trang bị súng bắn nước bằng pháo, đó cũng chỉ là thông tin trên mạng", Thiếu tướng Quyết nói.
Phó Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam cho biết thêm, trên cơ sở quy định của quốc tế, các tàu Cảnh sát biển Việt Nam được trang bị đồng loạt pháo loại 23mm trở xuống để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp dân sinh và bảo vệ pháp luật theo chức danh, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định.
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên biển (ảnh IT).
Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết thông tin: Trong việc thực hiện mô hình Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân chúng tôi có triển khai đi sâu vào việc tuyên truyền giáo dục pháp luật cho ngư dân để họ coi trọng luật biển, Công ước quốc tế về luật biển năm 1982, Luật biển Việt Nam, Luật biển của các nước có vùng biển giáp ranh. "Chúng tôi tuyên truyền đa dạng, như gọi điện cho ngư dân hoặc tuyên truyền đến từng nhóm tàu, quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển chúng tôi kết hợp tuyên truyền bằng tờ rơi", tướng Doãn Bảo Quyết nói và cho biết từ việc tuyên truyền ngư dân đã nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật.
Vẫn theo tướng Quyết, hiện nay vẫn có những ngư dân vì quyền lợi về kinh tế đã vi phạm chủ quyền biển của nước ngoài, đặc biệt là vùng biển Indonesia. Cảnh sát biển cùng với các lực lượng khác ngày đêm thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên vùng biển giáp ranh với Indonesia để tiếp tục làm công tác tuyên truyền và bảo vệ ngư dân trên vùng biển Việt Nam.
Về công tác đấu tranh buôn lậu, gian lận thương mại trên biển, theo Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết công tác này trên bờ đã khó khăn, chính vì thế trên biển càng khó khăn. Vì lợi nhuận kinh tế, các đối tượng buôn lậu không từ thủ đoạn này, kể cả thủ đoạn mua chuộc các chiến sĩ cảnh sát biển, nếu không mua chuộc được các đối tượng sử dụng tin nhắn hoặc thông tin nào đó để uy hiếp tinh thần của các chiến sĩ cảnh sát biển. Bên cạnh đó còn những vấn đề khác tác động vào tâm tư tình cảm đến cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển.
"Nhưng với tinh thần quyết tâm, nâng cao trách nhiệm nên trong những năm qua chúng tôi đã giữ vững, không có cán bộ, đảng viên nào vi phạm trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu trên biển. Việc đấu tranh phòng chống buôn lậu trên biển dù rất khó khăn, gay go nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm và xác định đây là mặt trận chiến đấu của lực lượng cảnh sát biển", tướng Quyết khẳng định.
Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển: Từ đầu năm 2017, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển chính thức chỉ đạo triển khai mô hình "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" trong toàn lực lượng. Đây là mô hình dân vận sáng tạo, đặc thù của Cảnh sát biển Việt Nam. Mô hình này đã triển khai tại 9 xã (huyện) đảo trên địa bàn của 9 tỉnh, thành ven biển và đã đạt được những kết quả rất ý nghĩa. Sự có mặt của ngư dân trên các vùng biển là sự "hiện diện dân sự" và thực hiện "chủ quyền dân sự". Mỗi tàu, thuyền cá của ngư dân với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió là những "cột mốc sống" khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc. |