Dân Việt

Tạo cơ chế cho nông dân làm chủ

10/12/2011 09:23 GMT+7
(Dân Việt) - Tại hội thảo "Xây dựng NTM - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" tổ chức ở Nam Định ngày 9.12, các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng, cần phải xác định được hệ thống lý luận để làm nền tảng trong xây dựng NTM ở nước ta.

Từ kinh nghiệm thực tiễn

Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng NTM của địa phương, ông Nguyễn Viết Hưng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho hay: “Kinh nghiệm của Nam Định là làm từ đồng ruộng vào làng, làm từ xóm lên xã, xã chủ động xây dựng các công trình chính của xã, các thôn xóm chủ động vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình của thôn, xóm. Các hộ dân tự lo cải tạo ao, vườn, sân, ngõ, 3 công trình vệ sinh của gia đình”.

img
Xã nông thôn mới Hải Đường (huyện Hải Hậu, Nam Định) ngày càng đổi mới.

Bằng cách làm đó, đến nay toàn tỉnh Nam Định đã triển khai xây dựng NTM ở 10 xã điểm trên tổng số 209 xã toàn tỉnh. Kết quả, chỉ trong một thời gian ngắn, Nam Định đã huy động được trên 205 tỷ đồng, trong đó riêng nhân dân đã đóng góp được tới gần 85 tỷ đồng và hiến 21,6ha đất.

Tuy nhiên, theo ông Hưng: “Nhận thức của một số cán bộ, nhân dân về chương trình này vẫn còn chưa đầy đủ. Do đó, tiến độ triển khai nội dung xây dựng NTM ở một số xã còn chậm, chưa thực sự sôi động, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ nguồn lực hơn nữa cho NTM”.

Là một tỉnh có tiềm lực kinh tế mạnh, mặc dù “vào cuộc” chậm, nhưng tỉnh Vĩnh Phúc đã đặt ra kế hoạch xây dựng NTM ở cả 112 xã trên địa bàn tỉnh, trong đó trước mắt làm điểm ở 20 xã với ngân sách hỗ trợ mỗi xã làm điểm từ 3-5 tỷ đồng trong 2 năm.

Ông Hà Hòa Bình- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: “Thời gian đầu, chúng tôi tập trung quyết liệt vào thực hiện công tác quy hoạch, sau đó mới tiến hành xây dựng NTM cho các xã. Song điều quan trọng là, cần có cơ chế để tạo động lực cho người dân, để người dân được làm chủ trong quá trình xây dựng NTM, từ nền tảng đó, Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 47% số xã đạt NTM”.

Xác định rõ: “Nông dân làm chủ”

PGS - TS Vũ Văn Phúc - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản nêu ý kiến: “Trong xây dựng NTM, chúng ta đang gặp phải 2 mâu thuẫn lớn, đó là mâu thuẫn giữa sản xuất nhỏ với thị trường lớn, mâu thuẫn giữa hiệu quả thấp với rủi ro cao. Vì thế cần có chính sách, biện pháp giải quyết tốt các mâu thuẫn trên để thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn”.

"Người dân hoàn toàn có thể làm chủ nông thôn của mình được, chúng ta phải tạo điều kiện, cơ chế cho dân làm chủ, phải chuyển từ việc Nhà nước làm thay cho nông dân thành nông dân làm thay cho Nhà nước."

Trên cơ sở đó, ông Phúc cho rằng: “Vấn đề bây giờ là, làm thế nào để đẩy nhanh việc ban hành và hướng dẫn thực hiện đồng bộ các chính sách để tháo gỡ những vướng mắc trong tổ chức thực hiện, đồng thời tìm ra những giải pháp đột phá, khả thi và lâu dài”.

Dưới góc nhìn của nhà hoạch định chính sách, ông Hồ Xuân Hùng- nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhận xét: “Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, chúng ta vừa làm, vừa dò, vừa đi, vừa mở đường mà chưa có lý luận. Cho nên, tới đây khi Ban Bí thư tổng kết thực hiện Chương trình xây dựng NTM thí điểm ở 11 xã là rất quan trọng, để đúc rút ra được những kinh nghiệm, đồng thời đề ra các giải pháp cần thực hiện”.

Cũng theo ông Hùng, để khẳng định khẩu hiệu nông dân là chủ thể”, phải bắt đầu từ đâu và cần phải làm gì để nông dân được làm chủ? Nếu chúng ta không làm sáng tỏ điều này, sẽ chỉ là khẩu hiệu.