Sáng 4.7, trung tá Phạm Văn Huấn – Phó đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế Công an TP.Đà Lạt cho biết, đơn vị đang phối hợp với các phòng chức năng đồng loạt ra quân xử lý dứt điểm vấn nạn "cò" đang diễn biến phức tạp trên địa bàn.
Trung tá Phạm Văn Huấn (mặc sắc phục tay cầm giấy) trao đổi công việc với các trinh sát tại các địa điểm du lịch trên thành phố. Ảnh: Văn Long.
Theo đó, đội mở các đợt tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh đặc sản, yêu cầu cam kết không sử dụng "cò" dưới mọi hình thức. Đơn vị đã xử lý 89 đối tượng "cò" tiếp thị, tạm giữ 78 xe mô tô và xử phạt trên 108 triệu đồng đối với các cá nhân này. Ngoài ra, đội cũng xử lý 42 cơ sở thường xuyên sử dụng "cò" và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xử phạt hành chính trên 200 triệu đồng.
Công an TP. Đà Lạt tạm giữ nhiều xe máy của các đối tượng "cò". Ảnh: Văn Long.
“Vườn hoa Thành phố và Thung lũng tình yêu là nơi mà cò đặc sản thường tụ tập chèo kéo, làm phiền khách du lịch, vì vậy, đội đã tổ chức mai phục, tuần tra, lập các chốt với 5 cán bộ chiến sĩ túc trực”, trung tá Huấn cho hay.
Đội phó Đội Cảnh sát Kinh tế cho biết thêm, vì chế tài xử lý còn quá nhẹ, hơn nữa lợi nhuận từ việc bán đặc sản quá lớn nên việc dẹp bỏ hoàn toàn là rất khó. Vì vậy, chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt vi phạm hành chính nên các đối tượng này vẫn rất ngoan cố hoạt động.
Đến nay, đơn vị đã công khai nhiều cơ sở kinh doanh đặc sản sử dụng "cò" và bán hoàng hóa không rõ nguồn gốc để khách du lịch được biết và lưu ý khi đến Đà Lạt du lịch.
Theo tìm hiểu của PV, thời gian qua, nhiều cơ sở kinh doanh đặc sản móc nối với "cò" để chèo kéo, lừa đảo du khách. Các đối tượng "cò" thường dùng xe máy đeo bám, chặn đường xe ô tô của du khách, dẫn vào các cơ sở bán đặc sản. Nhiều du khách được "cò" mời vào tham quan vườn dâu, hái dâu tại vườn nên đi theo. Nhưng sau đó bị các đối tượng này giam lỏng tại các quầy đặc sản, bị ép mua mứt dâu, mứt hồng... giá cao rồi mới dẫn đến vườn dâu, thậm chí nhiều cơ sở chỉ bán đặc sản chứ không có vườn dâu.