Dân Việt

Giá thịt lợn và xăng dầu tăng cao tiếp tục tạo sức ép lên CPI

Quang Sơn 04/07/2018 16:25 GMT+7
Lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm vẫn đang ở mức thấp dưới 1,4%, còn CPI tăng cao chủ yếu do giá thịt lợn và xăng dầu tăng mạnh.

Tại hội thảo diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2018 diễn ra vào sáng 3/7, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, với mức tăng CPI bình quân 6 tháng đầu năm là 3,29% và mục tiêu đạt được mức tăng CPI trung bình năm 2018 là 4% thì dư địa tăng còn lại cho 6 tháng cuối năm là khá ít. Trong khi đó, áp lực tăng giá tiêu dùng trong 6 tháng cuối năm vẫn khá lớn.

img

Áp lực tăng giá tiêu dùng trong 6 tháng cuối năm vẫn khá lớn.

Ông Long đưa ra một vài ví dụ như giá dịch vụ giáo dục thường tăng cao trong dịp năm học mới, lương cơ bản tăng thêm 90.000 đồng từ 1/7, áp lực từ tỷ giá, giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới và đặc biệt là rủi ro từ giá xăng dầu khó lường…

 “Nếu Chính phủ kiểm soát được lạm phát bằng hoặc dưới 4% thì đó là một thành công đáng ghi nhận”, Chuyên gia Ngô Trí Long nói.

CPI trong nước chịu nhiều tác động từ thế giới

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chỉ số giá tiêu dùng năm 2018 đã chịu ảnh hưởng từ 4 điểm nhấn của xu hướng thế giới.

Thứ nhất, lạm phát trong nước chịu tác động nhiều từ lạm phát ngoại nhập. Lạm phát của các nước như Mỹ, Nhật và các nước Châu Âu cũng đang có xu hướng tăng cao ngoài dự kiến.

Thứ hai, giá dầu thế giới trong 6 tháng cuối năm có thể tiếp tục duy trì ở mức cao từ 70-75 USD/thùng và khiến giá xăng dầu trong nước tăng giá.

Thứ ba là sự trừng phạt kinh tế lẫn nhau, chiến tranh thương mại và xu hướng rút khỏi các hiệp ước kinh tế của các cường quốc như Nga, Mỹ đang tăng lên.

Cuối cùng là ảnh hưởng của việc Fed liên tục tăng lãi suất đồng đô la Mỹ và nguy cơ phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Tiến sĩ Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin thương mại và công nghiệp, Bộ Công thương cũng cho rằng tình hình kinh tế thế giới đã có tác động nhiều tới việc lạm phát tăng cao của Việt Nam trong năm 2018.

Ông cho rằng, kinh tế thế giới có xu hướng khởi sắc, đặc biệt là kinh tế Mỹ phục hồi và tăng trưởng, kinh tế Trung Quốc thoát hạ cánh cứng, kinh tế Châu Âu thoát khỏi khủng hoảng. Chính vì vậy, tăng trưởng kinh tế kéo theo nhu cầu hàng hóa tăng cao, dẫn tới giá cả hàng hóa cũng tăng lên.

Việt Nam là nước có giá trị xuất khẩu và nhập khẩu gần bằng 100% GDP, nên cũng sẽ được lợi về tăng xuất khẩu khi nhu cầu tăng, nhưng cũng thiệt hại về nhập khẩu, khi giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng. Theo dự báo của IMF, giá dầu thô năm nay tăng khoảng 17%, giá các loại hàng hóa khác cũng tăng khoảng 6-7% so với năm trước.

Áp lực lớn nhưng vẫn trong tầm kiểm soát

Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính thì tỏ ra lạc quan với tình hình lạm phát trong 6 tháng đầu năm. Bởi ông cho rằng xu hướng gia tăng không phải là điều bất ngờ vì đã được dự đoán từ năm 2017. Lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm vẫn đang ở mức thấp dưới 1,4%, còn CPI tăng cao chủ yếu do giá thịt lợn và xăng dầu tăng mạnh.

Tiến sỹ cũng bày tỏ quan điểm rằng tổng cầu hàng hóa trong nước ổn định thì mặt bằng giá cũng sẽ trở lại ổn định, Ông đưa ra hai kịch bản:

Thứ nhất, nếu giá thịt lợn và xăng dầu ổn định ở mức hiện tại thì mức lạm phát trung bình của cả năm vẫn có thể giữ ở mức 3.4-3,5%.

Thứ hai, giả định rằng ngay cả khi giá dầu tăng lên mức 80-90 USD/thùng và thịt lợn leo lên dao động quanh mức 50.000-60.000 đồng thì lạm phát trung bình cả năm vẫn chỉ ở mức 3,8-3,9 %.

img

Tổng cầu hàng hóa trong nước ổn định thì mặt bằng giá cũng sẽ trở lại ổn định

Về phía cơ quan điều hành, Bộ Tài chính cho rằng bên cạnh tác động của các yếu tố thị trường như giá lương thực, thực phẩm, biến động giá xăng dầu, sự điều chỉnh giá các dịch vụ do nhà nước quản lý như y tế, giáo dục… giá tiêu dùng còn chịu ảnh hưởng nhiều từ thị trường tiền tệ, và tình hình của kinh tế thế giới.

Đại diện Cục Quản lý giá nhận định việc điều hành giá và kiểm soát lạm phát sẽ cần thực hiện một cách chủ động, tập trung vào công tác dự báo, xây dựng kịch bản điều hành giá chi tiết cho các mặt hàng do nhà nước quản lý với sự thận trọng và lộ trình thích hợp để đảm bảo không tác động đột biến tới mặt bằng giá chung.

Không tăng giá điện, kiểm soát tăng giá tiêu dùng dưới 4%

Từ nay đến cuối năm 2018, Chính phủ quyết tâm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức dưới 4%...