Sáng 5.7, Kỳ họp thứ 6, HĐND TP Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 chính thức khai mạc tại trụ sở HĐND - UBND TP Hà Nội.
Tại đây, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) TP.Hà Nội Nguyễn Hữu Chính đã báo cáo công tác xét xử của TAND thành phố 6 tháng đầu năm 2018.
Sáng 5.7, Kỳ họp thứ 6, HĐND TP Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 chính thức khai mạc tại trụ sở HĐND - UBND TP Hà Nội. Ảnh: Thành An
Theo ông Chính, trong 6 tháng đầu năm 2018, TAND hai cấp TP.Hà Nội đã giải quyết 12.729 vụ, tăng 782 vụ so với cùng kỳ. Các bản án, quyết định hình sự xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để xảy ra trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận quan tâm, đặc biệt là các vụ án tham nhũng do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đã được Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Điển hình như vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm bị truy tố về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land); vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm bị truy tố về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank); vụ án Nguyễn Văn Đài và đồng phạm bị truy tố về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”…
Đây là những vụ án có quy mô lớn, số người tham gia tố tụng lớn, hồ sơ lên tới hàng trăm nghìn bút lục, đòi hỏi phải có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo cả về cơ sở vật chất và cán bộ nghiên cứu. TAND TP. Hà Nội đã thành lập các tổ công tác bao gồm nhiều Thẩm phán, cán bộ có kinh nghiệm tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án và thực hiện các công tác có liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải quyết.
Vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm bị truy tố về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Oceanbank là 1 trong những vụ án điển hình được TAND TP.Hà Nội xét xử trong 6 tháng đầu năm 2018.
Cũng theo ông Chính, công tác phối hợp liên ngành được các cơ quan tiến hành tố tụng TP. Hà Nội thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, liên ngành thường xuyên tổ chức họp để trao đổi tình hình, bàn biện pháp đẩy nhanh tiến độ xử lý tin báo tố giác tội phạm, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng của công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
Tỷ lệ trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng giảm so với cùng kỳ năm 2017. Việc trả hồ sơ bảo đảm đúng quy định của pháp luật, được chấp nhận với tỷ lệ 80%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong 6 tháng đầu năm 2018, TAND hai cấp TP. Hà Nội vẫn còn một số vụ án quá hạn (đặc biệt là án hành chính), án bị hủy, sửa.
Nguyên nhân chính là do số lượng các loại vụ việc TAND hai cấp TP. Hà Nội thụ lý, giải quyết tăng qua các năm nhưng số lượng biên chế không được tăng, đặc biệt là Thẩm phán, một số quy định của pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn như việc thay đổi thẩm quyền xét xử đối với án hành chính...
Cũng trong sáng 5/7, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Hà Minh Hải trình bày cáo cáo tóm tắt tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018 của thành phố Hà Nội,
Theo đó, tổng thu NSNN trên địa bàn 6 tháng đầu năm là 120.062 tỷ đồng, đạt 50,4% dự toán, tăng 19% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 7.362 tỷ đồng, đạt 36,6% dự toán, bằng 87,1% so với cùng kỳ, thu từ dầu thô: 1.500 tỷ đồng, đạt 80,2% dự toán, tăng 23,7% so với cùng kỳ; thu nội địa thực hiện là 111.200 tỷ đồng, đạt 51,4% dự toán, tăng 21,9% so với cùng kỳ (hầu hết các khoản thu, khu vực thu duy trì tăng trưởng so với cùng kỳ); có 10 khoản thu có tiến độ đạt khá và 7 khoản thu có tiến độ đạt thấp so với dự toán.
Trong đó, đáng chú ý, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước Trung ương 22.120 tỷ đồng, đạt 41,9% dự toán và tăng 24,9% so với cùng kỳ. Đây là năm đầu tiên khu vực DNNN trung ương tăng trưởng cao so với các năm trước...