Điều dễ nhận thấy là thông qua mô hình này, sức khoẻ của ND được cải thiện, bà con bước đầu thay đổi nhận thức về sản xuất rau quả an toàn.
Dự án trồng dưa chuột bao tử theo tiêu chuẩn VietGAP do Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (T.Ư Hội NDVN) đầu tư có quy mô 13ha, trong đó xã Chân Lý (Lý Nhân) 6ha, xã Lê Hồ (Kim Bảng) 7ha.
Ruộng dưa chuột bao tử trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình chị Nguyễn Thị Dương, thôn Hồng Thái, xã Lê Hồ (Kim Bảng, Hà Nam). |
Thay đổi cách làm
Ông Nguyễn Văn Chử, thôn Trạm Khê, xã Chân Lý có bề dày kinh nghiệm trồng dưa chuột từ thời bao cấp. Vụ đông năm nay, tuy không trực tiếp trồng dưa, trồng bí, nhưng ông năng đi thăm đồng. Lý do, ông xem con cháu trồng dưa chuột bao tử theo tiêu chuẩn VietGAP như thế nào, có gì khác với thời ông trồng dưa xuất khẩu sang Đông Âu.
“Dễ thấy nhất là ra ruộng dưa không ngửi thấy mùi thuốc sâu. Hỏi ra mới biết, làm VietGAP không dùng thuốc sâu hoá học, mà dùng thuốc sinh học”- ông Chử cho hay.
Vụ đông năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Vân, thôn Vũ Điện, xã Chân Lý trồng 1 sào dưa chuột bao tử theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện chị đã thu 600kg quả, thời gian còn lại ước thu khoảng hơn 300kg nữa. Với giá bán cho xưởng chế biến là 6.000 đồng/kg, 1 sào dưa chuột bao tử cho thu nhập gần 6 triệu đồng.
Chị Vân cho biết: “Làm đúng quy trình VietGAP đòi hỏi người trồng phải cẩn trọng trong khâu bón phân, phun thuốc, thăm ruộng và phát hiện sâu bệnh. Vẫn từng ấy thời gian chăm bón, nhưng trồng theo VietGAP, tôi khoẻ hơn hẳn bởi không phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu hoá học...”.
Nông dân hào hứng
Xã Chân Lý (Lý Nhân) và Lê Hồ (Kim Bảng) là 2 trong những địa phương của Hà Nam có phong trào trồng rau màu vụ đông, nhất là dưa chuột xuất khẩu. Quy trình trồng dưa chuột bao tử theo tiêu chuẩn VietGAP lần đầu tiên được xây dựng tại Chân Lý và Lê Hồ được nhiều ND hào hứng áp dụng.
Ông Kiều Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Lê Hồ khẳng định: “Không chỉ những hộ trong dự án mà nhiều hộ trong xã đã thấy rõ, trồng dưa chuột xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGAP có lợi cho sức khoẻ của người trồng và người tiêu dùng. Quan trọng hơn, bà con hiểu rằng, các loại rau màu thực phẩm khác đều có thể áp dụng quy trình VietGAP. Khi đã nhận thức rõ được cái lợi thì việc nhân rộng mô hình sẽ dễ dàng hơn”.
Điều ông Tâm khẳng định cũng là mong muốn của nhiều hộ trồng dưa chuột xuất khẩu ở Hà Nam. Tuy nhiên, để bà con áp dụng thuần thục kỹ thuật, quy trình VietGAP trên dưa chuột xuất khẩu cũng như các loại rau quả khác rất cần có sự ủng hộ từ thị trường tiêu thụ.
Hiện nay, các đầu mối thu gom, các cơ sở chế biến thu mua dưa chuột bao tử có áp dụng và không áp dụng quy trình VietGAP với giá như nhau là 6.000 đồng/kg. Việc thu mua “đánh đồng giá” như vậy sẽ không khuyến khích người dân học hỏi, áp dụng quy trình sản xuất an toàn...
Nguyễn Công