Nói rõ hơn trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, Bộ Tài chính cho rằng, với các đối tượng trên, khó áp dụng các biện pháp cưỡng chế hiện tại, dẫn đến tình trạng nợ thuế của các hộ kinh doanh, cá nhân. Hiện, quy trình cưỡng chế nợ thuế được hướng dẫn có nhiều biện pháp ví dụ như: cưỡng chế bằng trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản; Cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng,…
Theo Bộ Tài chính, việc cưỡng chế nợ thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân cần thêm hình thức như: cắt điện, nước, viễn thông,…
Mặc dù với số tiền nợ thuế không lớn nhưng Bộ Tài chính cho rằng, cần có các giải pháp xử lý để thực hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
Theo ý kiến của các cơ quan thuế, việc cưỡng chế nợ thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân cần phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước tại địa bàn.
Một số hình thức được nêu lên như cắt nguồn cung cấp các dịch vụ thiết yếu (điện, nước, viễn thông,…), thông báo về nơi cư trú,…
Qua đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung biện pháp cưỡng chế đối với hộ kinh doanh, cá nhân: “Cơ quan thuế phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức có liên quan để áp dụng các biện pháp phù hợp khác”.
Trước đó, theo báo cáo của ngành thuế, số nợ thuế tính tới 31/5 là khoảng 83.540 tỷ đồng, tăng trên 10.000 tỷ đồng so với 31/12/2017. Chưa thống kê nợ của từng nhóm doanh nghiệp hay cá nhân nhưng theo ngành thuế, riêng các khoản nợ không có khả năng thu hồi khoảng 32.732 tỷ đồng, chiếm 39,2% tổng nợ.
Điều này đồng nghĩa, số thu về là khoảng 2,5% tổng nợ đã công khai.