Dân Việt

Vì sao Hà Nội thu phí vận hành chung cư chênh nhau hơn 10 lần?

Hoàng Thành 06/07/2018 13:30 GMT+7
“Việc áp dụng mức thu phí vận hành nhà chung cư, tái định cư mỗi nơi khác nhau. Có nơi thu từ 2.300 - 4.500 đồng/m2; có nơi chỉ thu 30.000 đồng/nhà/tháng. Tại sao có mức thu khác nhau này? Giải pháp cho vấn đề này thế nào?” 

Đó là câu hỏi chất vấn của ĐB Trần Việt Anh (Ba Đình) đối với Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội tại kỳ họp thứ 6, HĐND TP.Hà Nội ngày 6.7.

Trả lời ĐB Trần Việt Anh, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, Sở đã phối hợp với Sở Tài chính và đã trình có tờ trình tới UBND TP về khung giá dịch vụ nhà chung cư. Ngày 12.12017, UBND TP đã ban hành quyết định 23 để công bố khung giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn TP.

img

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục

Về một số nội dung có bất cập, đối với quản lý vận hành các tòa nhà tái định cư mới, các ban Sở Xây dựng quản lý đã có văn bản hướng dẫn nên giá dịch vụ được triển khai theo đúng quy định. Tuy nhiên đối với các tòa nhà được xây dựng trước năm 2010, giá hiện nay chưa phù hợp, chưa đảm bảo chi phí phục vụ vận hành. Đối với nhóm này, Ban quản lý đang tận dụng tiền đấu giá cho thuê tầng 1 để bù đắp.  

“Hiện 2 công ty vận hành thu 30 nghìn đồng trong suốt 20 năm nay. Vì thế, chi phí sẽ không đảm bảo nên phải dùng kinh phí khác” – ông Dục nói và bày tỏ “Sở Xây dựng xin tiếp thu và sửa đổi 1 số điều trong quyết định 33. Đồng thời, tiếp tục công tác tuyên truyền vận động trong nhân dân... Trong thông tư mới nhất, Sở Xây dựng cũng đề nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ 1 phần kinh phí bảo trì từ nguồn thu được trong việc cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại các nhà chung cư tái định cư”.

Đối với những toà nhà không có quỹ bảo trì, không có diện tích kinh doanh chung, ông Dục cho rằng người dân phải đóng góp để có kinh phí duy tu, duy trì cơ sở hạ tầng, không có giải pháp nào khác. 

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Hà Minh Hải thông tin thêm, căn cứ quy định Luật Nhà ở, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng khung giá dịch vụ chung cư trình UBND TP công bố giá dịch vụ nhà chung cư. Tuy nhiên, do thực tế mỗi nơi một khác nên đây được xem là căn cứ để Ban Quản trị báo cáo Hội nghị nhà chung cư nhằm quyết định mức giá cụ thể. 

“Hiện vẫn có tồn tại bất cập trong việc thu phí vận hành nhà tái định cư, mức thu chưa phù hợp, không đảm bảo chi phí vận hành. Với những trường hợp này, hiện các Ban Quản lý đang sử dụng dụng một phần tiền thu được từ cho thuê tầng 1 để bù đắp” – ông Hải nói. 

Trước đó, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, qua tiếp xúc cử tri của các tổ đại biểu, Thường trực HĐND thành phố nhận thấy đa số kiến nghị của cử tri tập trung vào lĩnh vực quản lý quy hoạch đất đai, đô thị. Tại Kỳ họp này, Thường trực HĐND tTP.Hà Nội đã tổng hợp được 35 câu chất vấn, từ đó đề xuất 2 nhóm nội dung để chất vấn trực tiếp là chấp hành pháp luật trong quản lý, vận hành nhà chung cư và quản lý các cơ sở trông giữ trẻ ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội.

Sau khi nghe Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Hùng báo cáo tóm tắt về nội dung chất vấn, ĐB Đoàn Việt Cường (Mê Linh) phản ánh: tính đến hết năm 2017, trên địa bàn thành phố còn 270/688 nhà chung cư thương mại chưa thành lập Ban quản trị, 131 nhà chưa bàn giao hồ sơ và thành lập Ban quản trị, 235 nhà chưa bàn giao quỹ bảo trì, gây nhiều bức xúc cho cư dân. Ông đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng giải trình rõ nguyên nhân, trách nhiệm quản lý nhà nước của sở, giải pháp và lộ trình giải quyết.

ĐB Phạm Đình Đoàn (Hoàng Mai) thì nhận định, chủ trương đấu giá thuê diện tích kinh doanh tầng 1 của các tòa nhà chung cư, đặc biệt là ở các tòa nhà chung cư tái định cư là đúng, song quá trình tổ chức đấu giá còn hạn chế, nhiều điểm có vị trí thuận lợi chưa được đấu giá. ĐB muốn biết nguyên nhân của tình trạng này. Vẫn theo ĐB Phạm Đình Đoàn, tình hình tố cáo, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo còn tồn tại nhiều phức tạp, kéo dài chủ yếu phát sinh từ vấn đề triển khai. Giải pháp nào để giải quyết dứt điểm?