Dân Việt

Lào Cai đã sai phạm thế nào trong quản lý khai thác khoáng sản?

Bách Thuận 08/07/2018 07:43 GMT+7
Qua kiểm tra, việc chấp hành chính sách pháp luật trong công tác quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2005 – 2015, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lào Cai đã để xảy ra nhiều tồn tại, vi phạm, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

13 dự án vượt diện tích so với quy hoạch

Trong kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách pháp luật trong công tác quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2005 – 2015 vừa được Thanh tra Chính phủ ban hành mới đây, qua thanh tra còn bộc lộ nhiều khuyết điểm, vi phạm ở các mặt quản lý.

UBND tỉnh Lào Cai chưa ban hành kịp thời một số văn bản quy định về phí bảo vệ môi trường và một số văn bản quy định về tính thuế tài nguyên chưa sát với giá khoáng sản thực tế của thị trường, dẫn đến có lợi cho doanh nghiệp và thất thu ngân sách Nhà nước.

Trách nhiệm này thuộc về chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục thuế giai đoạn năm 2008 – 2012.

img

TTCP xác định, việc quản lý khoáng sản ở Lào Cai còn nhiều bất cập, vi phạm.

Với việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch khoáng sản làm vật liệu thông thường trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2005 – 2020 không có diện tích, ranh giới quy hoạch của từng điểm mỏ.

Kết luận thanh tra chỉ rõ, việc này chưa đúng với quy định của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng, gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ khoáng sản. Trách nhiệm chung thuộc chủ tịch UBND tỉnh, trách nhiệm trực tiếp thuộc phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách và giám đốc Sở Xây dựng giai đoạn 2007 – 2016.

Đối với việc cung cấp thông tin về quy hoạch và giới thiệu địa điểm dự án, có 13 dự án khoáng sản được giới thiệu địa điểm với diện tích vượt so với quy hoạch là 196,77ha vào đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp và các loại đất khác.

Cùng với đó, TTCP cũng xác định có 11 dự án khai thác khoáng sản nằm ngoài quy hoạch với diện tích 65,41ha. Điều này chưa đúng với quy định của Luật Xây dựng và Nghị định của Chính phủ về quy hoạch xây dựng.

Ngoài ra, theo TTCP, Sở Xây dựng còn giới thiệu địa điểm 31 dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng diện tích là 101,76ha, trong quy hoạch chỉ thể hiện điểm mỏ, không có diện tích quy hoạch, ranh giới.

Trách nhiệm thuộc giám đốc Sở Xây dựng và các phòng ban chuyên môn thuộc sở giai đoạn 2007 – 2015.

Thẩm định dự án còn kém

Trong kết luận thanh tra, TTCP nêu rõ, công tác thẩm định trong giai đoạn này còn nhiều khuyết điểm như việc đánh giá hiệu quả đầu tư, năng lực, năng lực tài chính, kinh nghiệm của chủ đầu tư chưa chính xác, dẫn đến nhiều dự án triển khai chậm tiến độ. Một số dự án hoạt động không hiệu quả và có dự án phải chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản.

img

Việc công ty Apatit đã hết hạn giấy phép khai thác ở một số khai trường quặng apatit nhưng vẫn tiếp tục khai thác là bất cập trong việc quản lý khoáng sản ở Lào Cai.

Việc UBND tỉnh Lào Cai cấp giấy Chứng nhận đầu tư số 112000369 ngày 1.4.2013 chỉ ghi “được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11.12.2008 và số 122/2011/NĐ-CP ngày 27.12.2011 của Chính phủ là không đúng quy định tại các Nghị định nêu trên.

Ngoài ra còn một số Giấy chứng nhận đầu tư không ghi cụ thể dự án được hưởng ưu đãi đầu tư về miễn, giảm mà chỉ ghi “dự án được hưởng các ưu đãi theo Luật đầu tư năm 2005 và các quy định hiện hành” là không đúng với quy định tại Nghị định số 108/NĐ-CP ngày 22.9.2006 của Chính phủ và Quyết định số 1088/2006/QĐ-BKH ngày 19.10.2006 của Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Trách nhiệm thuộc Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Lào Cai giai đoạn 2005 – 2015.

Mặt khác, một số dự án khai thác khoáng sản được chủ đầu tư chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, điều này vi phạm Luật Khoáng sản. Việc UBND tỉnh Lào Cai cho phép một số chủ đầu tư khai thác tận thu khoáng sản 8 năm (vượt thời hạn 3 năm) là vi phạm Luật khoáng sản. Trách nhiệm để xảy ra những vi phạm này, TTCP chỉ rõ thuộc chủ đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Lào Cai, giám đốc Sở tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 2005 – 2015.

Trong giai đoạn 2007 – 2015, UBND tỉnh Lào Cai đã cấp giấy phép khai thác khoáng sản và giao đất tại 13 dự án, diện tích vượt so với quy hoạch 196,77ha (8 dự án khai thác khoáng sản, diện tích 135,81ha và 5 dự án tận thu khoáng sản, diện tích 60,96ha) vào đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp và các loại đất khác.

img

Một số diện tích đất trong dự án khai thác vàng gốc, mỏ vàng Sa phìn và Tsuha (Nậm Xây, Văn Bàn) cho chủ đầu tư thuê không phải là đất hoạt động khoáng sản.

Có 11 dự án khai thác khoáng sản nằm ngoài quy hoạch với diện tích 65,41ha, vi phạm Luật Khoáng sản.

Đáng chú ý, theo kết luận thanh tra, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính giai đoạn 2008 – 2011, UBND tỉnh Lào Cai không ban hành quyết định tính hệ số quy đổi khối lượng từ quặng thành phẩm hoặc quặng tuyển ra quặng nguyên khai để tính phí bảo vệ môi trường, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Việc này vi phạm quy định trong Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Qua thanh tra tại 6 chủ đầu tư, đã phát hiện việc quản lý nguồn thu tài chính từ hoạt động khoáng sản đang còn nhiều khuyết điểm, vi phạm, gây thất thoát ngân sách Nhà nước số tiền hơn 95 tỷ đồng. (95.203.186.000)

Trách nhiệm chung cho toàn bộ hạn chế, yếu kém trên thuộc chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách, giám đốc các sở: Kế hoạch và đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Xây dựng, Tài chính, Cục thuế tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo:

Giao chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai rà soát và xác định lại diện tích đối với 8 dự án, vượt quy hoạch 135,81ha. 5 dự án cấp giấy phép khai thác tận thu vượt diện tích so với quy hoạch vào đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ, diện tích vượt quy hoạch 60,96ha. 11 dự án cấp giấy phép khai thác khoáng sản không có diện tích nằm trong quy hoạch được phê duyệt, với tổng diện tích 65,41ha.

Đối với toàn bộ diện tích đất đã nêu nằm ngoài quy hoạch, đầu tư không hiệu quả thì không cho thực hiện tiếp. Điều chỉnh lại 93 giấy chứng nhận đầu tư, theo hướng ghi cụ thể các ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng theo quy định.

Có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị xử lý phù hợp đối với các dự án khoáng sản mà chủ đầu tư đã chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản.

Kiểm tra, rà soát xác định đúng các khoản thuế tài nguyên (giá bán thực tế đang cao hơn giá quy định của UBND tỉnh); phí bảo vệ môi trường, các loại thuế phí khác và các khoản thu từ hoạt động khoáng sản.

Đối với những dự án từ năm 2008 đến nay chưa tính hệ số quy đổi theo theo quy định của bộ tài chính hướng dẫn thực hiện nghị định của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.

Xử lý xem xét, thu hồi về ngân sách Nhà nước tổng số tiền sai phạm gần 83 tỷ đồng. (Apatit đã nộp hơn 12 tỷ đồng sai phạm về phí bảo vệ môi trường vào 31.8.2017).