1. S.S. Valencia
Với lớp vỏ sắt và chạy bằng hơi nước, S.S. Valencia được đóng vào năm 1882 tại xưởng của hãng đóng tàu William Cramp & Sons, Mỹ. Chiếc tàu khổng lồ có khối lượng gần 1.600 tấn và chiều dài 77 m mất tích vào ngày 22.1.1906 khi nó đang di chuyển gần đảo Vancouver, tỉnh British Columbia, Canada.
Trong hành trình cuối cùng từ thành phố San Francisco đến thành phố Seattle, thời tiết khắc nghiệt cùng màn đêm khiến thủy thủ đoàn không thể xác định phương hướng. Họ buộc phải lui vào mảng hút chìm Juan de Fuca (trải dài từ miền nam British Columbia đến California) để tránh bão. Nhưng tàu đã rơi vào vùng biển phía tây nam đảo Vancouver, đâm trúng đá ngầm và chìm.
Sau khi tàu chìm, các thủy thủ cố gắng cứu hành khách trên tàu bằng 6 xuồng cứu hộ. Nhưng chỉ 2 trong số 6 chiếc xuồng cứu sinh thoát khỏi dòng nước xoáy. Và cũng chỉ 37 người trên tổng số 168 thuyền viên và hành khách thoát nạn. Số người còn lại đã chìm xuống biển. Tới nay, vụ đắm tàu S.S. Valencia vẫn là một trong những tai nạn đường biển kinh hoàng nhất trên Thái Bình Dương.
Tàu S.S. City of Topeka chở những người sống sót trên tàu S.S.Valencia về thành phố Seattle. Một số người khẳng định họ thấy hình dáng tàu S.S.Valencia hiện ra phía trên ống khói của tàu S.S.City of Topeka. Vào năm 1910, báo Seattle Time dẫn lời một số thủy thủ cho biết họ thấy một tàu ma gần Mũi Pachena.
2. MV Joyita
Hãng đóng tàu Wilmington Boat Works hạ thủy du thuyền MV Joyita vào năm 1931. Sau vụ tấn công vào Trân Châu cảng tháng 12.1941, hải quân Mỹ mua lại du thuyền tư nhân này để làm nhiệm vụ tuần tra các đảo lớn tại Hawaii cho đến khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc.
Vào giữa năm 1955, trong một chuyến từ Samoa tới quần đảo Tokelau, MV Joyita đã biến mất. 5 tuần sau đó, người ta tìm thấy xác con tàu cách đất liền gần 1.000 km. Toàn bộ 25 thủy thủ trên tàu cũng biến mất.
Sau khi xem xét xác con tàu, các chuyên gia phát hiện thân tàu được đóng một cách đặc biệt để nó không thể chìm. Họ chỉ tìm thấy một vết nứt ở dây cáp. Một lớp sơn phủ lên vết nứt ấy. Một túi thiết bị y tế, với nhiều băng gạc dính máu nằm trên boong tay. Nhóm chuyên gia không thấy xuồng cứu hộ nào và họ cho rằng các thủy thủ đã lấy chúng. Nhiều người cho rằng, ngay cả những thủy thủ ít non nớt nhất cũng hiểu lênh đênh trên xuồng cứu hộ nguy hiểm hơn nhiều so với việc ở trên tàu chờ người cứu. Do đó, vụ mất tích kỳ lạ của thuyền viên tàu MV Joyita vẫn là một ẩn số tới tận ngày nay.
3. Baychimo
Ra đời vào năm 1914 tại Thụy Sĩ, Baychimo là con tàu buôn khổng lồ với lớp vỏ thép và hoạt động bằng hơi nước. Nó trở nên nổi tiếng sau 9 hành trình vượt biển thành công ở vùng biển Tây Bắc nguy hiểm của Canada. Nhưng sau khi mắc kẹt trong tảng băng lớn vào năm 1931, Baychimo lại trở thành tàu ma nổi tiếng nhất dọc bờ biển Alaska băng giá.
Tháng 10.1931, Baychimo kết thúc chuyến chở hàng và trên đường trở về bến cảng, nó mắc kẹt hai lần giữa hai tảng băng lớn gần thành phố Barrow, Alaska. Trực thăng cứu hộ đưa một nửa thuyền viên trên tàu tới nơi an toàn. Song khi quay lại, những nhân viên cứu hộ trên thực thăng phát hiện con tàu vẫn còn nguyên vẹn, nhưng một nửa số thuyền viên còn lại đã biến mất mà không để lại bất kỳ dấu vết nào.
Sau vụ mất tích lạ thường đó, nhiều nhà thám hiểm và khách du lịch thường xuyên thấy Baychimo trôi dạt ở nhiều nơi khác nhau ngoài biển. Năm 1969, Baychimo biến mất sau khi lang thang trong 38 năm. Nhiều người cho rằng các cơn bão, sông băng cùng những hiện tượng siêu nhiên bí ẩn tại vùng Tam giác quỷ Bermuda là thủ phạm gây nên vụ mất tích của thủy thủ đoàn và con tàu Baychimo. Ngày nay người ta vẫn chưa tìm ra lời giải thích thỏa đáng về vụ mất tích ấy.
4. Mary Celeste
Xác tàu Mary Celeste. Ảnh: Scinotions.
Ngày 5.11.1872, Mary Celeste, con tàu thương gia hai cột buồm của Mỹ mất tích trong hành trình vượt Đại Tây Dương. Một tháng sau, ngày 5.12.1872, người ta thấy Mary Celeste đang lênh đênh vô định trên vùng eo biển Gibraltar (Anh) trong tình trạng nguyên vẹn. Toàn bộ các kiện hàng, vật dụng cá nhân vẫn ở nguyên vị trí, trừ những hành khách. Họ biến mất như thể họ chưa từng tồn tại.
Trong quá trình điều tra số phận của những người trên tàu, các chuyên gia phát hiện ra một điều thú vị về nguồn gốc của Mary Celeste. Tên cũ của nó là Amazon và nó đã qua tay nhiều chủ. Để tránh những chuỗi tai nạn mà Amazon mang đến, vào năm 1869, một thương gia người Mỹ đã đổi tên nó thành Mary Celeste. Ngày nay, người ta đưa rất nhiều giả thuyết nhằm giải thích số phận bí hiểm và những nạn nhân xấu số trên con tàu ma Mary Celeste. Rất nhiều tác phẩm điện ảnh, âm nhạc, văn chương đã ra đời từ vụ tai nạn nổi tiếng ấy.
5. Carroll A. Deering
Là một trong những con tàu mất tích bí ẩn nhất tại vùng Tam giác quỷ Bermuda, Carroll A. Deering xuất hiện trước công chúng lần cuối cùng vào ngày 28.1.1921. Câu chuyện bắt đầu khi nó rời thành phố cảng Rio de Janeiro, Brazil để trở về bến cảng Norfolk, bang Virginia, Mỹ. Thuyền trưởng của tàu, William H. Merritt, đột nhiên ốm nên ông lên bờ để chữa trị cùng con trai, người đảm nhiệm vị trí thuyền phó. Họ giao trách nhiệm thuyền trưởng và thuyền phó cho W.B. Wormell và C.B. McLellan để thủy thủ đoàn tiếp tục chuyến hành trình. Tuy nhiên viên thuyền trưởng mới đã gây mâu thuẫn với thủy thủ đoàn do say rượu.
Carroll A. Deering không về cảng Norfolk theo kế hoạch mà lênh đênh trong tình trạng không người lái ở mũi Cape Hatteras, phía bắc bang Carolina, Mỹ. Khi xem xét, người ta phát hiện không thuyền viên nào hiện diện trên tàu. Mọi đồ dùng cá nhân và hai xuồng cứu sinh cũng biến mất. Họ cho rằng, có thể cướp biển hoặc bọn buôn lâu đã tấn công tàu. Một giả thuyết khác là tàu gặp bão hoặc các thủy thủ đã nổi loạn rồi rời khỏi tàu. Cho đến nay, người ta vẫn chưa thể giải thích thỏa đáng về sự mất tích của Carroll A. Deering. Từ đó tới nay nó trở thành một trong những bí mật hàng hải lớn nhất trong lịch sử.