Đạo đức vốn dĩ luôn được diễn giải theo nhiều cách khác nhau, dựa trên nền tảng văn hoá của mỗi một cộng đồng. Và trên thực tế, các quan niệm đạo đức luôn có khả năng thay đổi, biến hoá theo thời gian. Có những điều hôm nay là phi đạo đức, ngày mai có thể được ngợi ca. Toà án dị giáo thời Trung cổ châu Âu có thể đưa lên giàn thiêu những con người mà sau đó được nhìn nhận như tinh hoa của nhân loại. Bởi thế, sự đúng sai của các khái niệm đạo đức cần được phân định dựa trên sự quy chiếu của luật pháp và văn hoá ở thời điểm mà nó xuất hiện.
Vậy cuộc triển lãm cơ thể người đang diễn ra tại TP.HCM có thực sự đi ngược lại các hệ quy chiếu của đời sống văn hoá, và pháp luật hiện hành hay không?
Triển lãm gây tranh cãi khi trưng bày 137 mẫu vật được nhựa hóa nhờ công nghệ bảo tồn xác người Plastination.
Ở khía cạnh văn hoá, câu hỏi cần đặt ra là những cơ thể người nhựa hoá để triển lãm được định danh là gì? Trong hồ sơ xin cấp phép tại Sở Văn hoá - Thể thao TP.HCM thì được ghi là mẫu vật, chất liệu… nhựa. Tuy nhiên, các thông tin của đại diện truyền thông cho đơn vị triển lãm đều khẳng định đây là xác người thật được nhựa hoá.
Xét ở khía cạnh văn hoá, dù đã được nhựa hoá nhưng thi thể con người vẫn không thể định danh là mẫu vật.
Xưa nay, việc các cá nhân trước khi chết cam kết hiến tặng toàn bộ, hoặc một phần cơ thể của mình để phục vụ cộng đồng, cho các mục đích như nhân đạo, hoặc phục vụ nghiên cứu khoa học, là điều không mới. Tuy nhiên, việc coi các thi thể là mẫu vật để triển lãm thương mại, tại một địa điểm đại chúng như Nhà văn hoá, sẽ là điều khó có thể chấp nhận trong đời sống văn hoá đương thời.
Triển lãm đã phải ngừng trưng bày từ 7.7 theo yêu cầu của Sở VHTT TP.HCM
Ở khía cạnh luật pháp thì việc cố ý xâm phạm thi thể là một tội hình sự. Nhưng những thi thể được nhựa hoá để triển lãm có bị xâm hại hay không? Nếu như việc sử dụng những thi thể này ngoài ý muốn của chính những con người đó, hiển nhiên đó là một sự xâm phạm.
Vì thế, câu hỏi cần đặt ra ở đây là khi cấp phép triển lãm này, cơ quan quản lý có thẩm quyền đã yêu cầu đơn vị triển lãm chứng minh họ được sử dụng thi thể để trưng bày bởi sự tình nguyện của người quá cố hay chưa?
Điều này, các nhà quản lý văn hoá ở TP.HCM không hề thực hiện. Bởi như ông Võ Trọng Nam - Phó giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao TP.HCM trả lời báo chí thì hồ sơ xin cấp phép ghi là mẫu vật nhựa, nên sẽ không có chuyện xác minh sự hợp pháp của thi thể.
Như vậy, ở đây có sự gian dối của đơn vị triển lãm khi làm hồ sơ, và có sự quan liêu tắc trách của cơ quan quản lý.
Những tranh cãi cảm tính về đạo đức có thể sẽ mãi mãi không đi đến hồi kết bởi tính tương đối của nó. Song, nhìn nhận câu chuyện dưới những góc độ rõ ràng như văn hoá, và luật pháp thì triển lãm "Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người" là một hoạt động không thể chấp nhận!