Dân Việt

Cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ "nhí" có vi phạm Luật Lao động

Lê Tâm 09/11/2013 06:49 GMT+7
Chiều 8.11, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các nhà báo về dự thảo đề án cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu.
Có rất nhiều ý kiến đóng góp đã được Ban soạn thảo ghi nhận để chuẩn bị thực hiện việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu từ tháng 4.2014.

Công cụ để quản lý

Theo các con số đưa ra tại hội nghị, cho đến nay, theo thống kê chưa chính thức, trên toàn quốc có khoảng gần 2.000 doanh nghiệp có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật, có khoảng gần 10.000 nghệ sĩ, người mẫu, trong đó có khoảng 1/3 ngoài công lập.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn thì tuy con số nghệ sĩ đông đảo như vậy nhưng các cơ quan quản lý văn hóa địa phương thì hoàn toàn không nắm rõ được số lượng nghệ sĩ trên địa bàn mình, dẫn đến tình trạng xuất hiện nhiều lộn xộn trong nghệ thuật biểu diễn.

“Ca sĩ người mẫu tham gia biểu diễn chỉ đặt lợi ích cá nhân lên trên, gây ra các vụ việc làm dư luận đau đầu. Một số nghệ sĩ chưa từng qua trường lớp đào tạo cũng chỉ nhằm mục đích làm sao có tiền. 63 tỉnh thành không nắm được số liệu nghệ sĩ tự do, không biết nhân thân, thêm vào đó mỗi ngày xuất hiện vài chục ca sĩ, người mẫu mới càng khó cho quản lý. Chính bởi thế khi chúng tôi tổ chức lấy phiếu thăm dò thì đã có 100% đại diện 63 Sở VHTTDL, 83% cán bộ quản lý, nghệ sĩ, nhà tổ chức đồng tình với việc cấp thẻ hành nghề”- ông Chương cho biết.

Việc cấp thẻ hành nghề sẽ thông thoáng, miễn phí, thủ tục đơn giản (ảnh minh họa).
Việc cấp thẻ hành nghề sẽ thông thoáng, miễn phí, thủ tục đơn giản (ảnh minh họa).

Việc cấp thẻ hành nghề trong thời điểm hiện nay, theo đại diện của Cục Nghệ thuật biểu diễn càng trở nên bức xúc nếu so với thời điểm cấp thẻ lần 1 vào năm 1999, lúc đó cả nước chỉ có 119 đơn vị tổ chức biểu diễn, bây giờ là gần 2.000, việc xin giấy phép thành lập rất dễ dàng, một cá nhân có thể thành lập 4-5 công ty nên nếu đơn vị này có sai phạm thì dễ dàng bỏ, chuyển sang công ty khác.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn cho biết: “Trong thời gian vừa qua có rất nhiều vấn đề trong giới nghệ thuật biểu diễn được báo chí quan tâm. Nhiều vi phạm dai dẳng nhưng xử phạt rất nhẹ, báo chí nói rát hơi, nhà quản lý cũng cảm thấy rất khó xử vì không có công cụ để quản lý nghệ sĩ. Việc xây dựng đề án này là công cụ để quản lý nghệ sĩ, người mẫu, sẽ rất thông thoáng đầu vào nhưng chặt chẽ khâu hậu kiểm, tức là siết chặt đầu ra”.

Nhiều nghệ sĩ và nhà tổ chức biểu diễn đã bày tỏ băn khoăn trên báo chí trong thời gian vừa qua, họ lo lắng về một sự xáo trộn lớn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn khi sẽ có một cuộc “sát hạch” khổng lồ về chuyên môn của toàn bộ gần 10.000 nghệ sĩ đang hoạt động. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Chương khẳng định: “Thẻ hành nghề là công cụ quản lý, không phải là nội dung đánh giá khả năng chuyên môn. Chúng tôi sẽ tiến hành cấp rất thông thoáng, miễn phí, thủ tục đơn giản”.

Còn nhiều điểm bất hợp lý

Đại diện các cơ quan truyền thông có mặt trong hội nghị lấy ý kiến đã có rất nhiều ý kiến đóng góp cho ban soạn thảo đề án.

Chẳng hạn trong Điều 3.3 của phần đối tượng cấp thẻ hành nghề quy định “cá nhân đã đạt giải tại các cuộc thi nghệ thuật, cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước và quốc tế” được giải thích là bao gồm cả các cuộc thi trên truyền hình. Vậy thì một vấn đề đặt ra là thí sinh của các cuộc thi như Giọng hát Việt nhí, Đồ rê mí, Vietnam’s Got Talent dù chưa đủ tuổi thành niên nhưng đoạt giải là được cấp thẻ hành nghề thì điều này liệu có vi phạm Luật Lao động?

"Trước ý kiến đóng góp của nhiều nghệ sĩ, nhà tổ chức biểu diễn về dự thảo lần trước quy định thời hạn thẻ 3 năm là ngắn quá, trong dự thảo lần này, Cục đã quyết định tấm thẻ hành nghề sẽ có thời hạn vĩnh viễn. Kể cả nghệ sĩ đã được cấp thẻ mà không tham gia biểu diễn nữa cũng không bị thu lại thẻ”.
Ông Nguyễn Đăng Chương

Hoặc một điều khoản về quy định việc thu hồi thẻ có quy định: “Nghệ sĩ, người mẫu là bị can trong một vụ án hình sự hoặc bị tòa án tuyên là có tội trong một vụ án hình sự” và đã bị thu hồi thẻ thì vĩnh viễn không được cấp lại.

Điều khoản này khiến nhiều nhà báo băn khoăn vì có vẻ hơi khắc nghiệt quá, trong trường hợp nghệ sĩ vì phạm tội nên bị ra tòa, song khi đã chấp hành xong hình phạt của pháp luật mà vẫn có tài năng và tâm huyết muốn tham gia biểu diễn nghệ thuật thì cũng nên có một cánh cửa để họ quay trở lại sân khấu.

Theo như nội dung quy định trên mặt sau của tấm thẻ hành nghề (mẫu) được trưng ra tại hội nghị có ghi rõ nghệ sĩ không được “sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng hát thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn”, tuy nhiên với các chương trình truyền hình trực tiếp thì gần như 100% các nghệ sĩ đều được yêu cầu phải hát nhép để đảm bảo chương trình sẽ thành công. Vậy điều này có nên đưa vào quy định cấm hay không?

Hoặc một nội dung khác còn khiến nhiều người băn khoăn là với các trường hợp nghệ sĩ bị rút thẻ nhưng tìm cách ra biểu diễn ở nước ngoài thì chế tài thế nào, dự thảo chưa đề cập.

Những ý kiến đóng góp này đã được ghi nhận để ban soạn thảo hoàn thiện đề án vào tháng 12, theo dự kiến của Cục Nghệ thuật, vì lĩnh vực ca nhạc và thời trang có nhiều bức xúc nên sẽ hoàn thành việc cấp thẻ trong năm 2014, còn tiếp đó, ngành văn hóa dự kiến sẽ cấp thẻ cho toàn bộ nghệ sĩ vào năm 2016.