Dân Việt

Khi chị em đi thẩm mỹ viện: Coi chừng mất mạng, hỏng người

Diệu Linh 08/07/2018 14:44 GMT+7
Vụ việc bà Phạm Thị Mỹ Lệ - nguyên Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước bất ngờ tử vong sau khi đi xăm mày tại một spa đang dấy lên hồi chuông cảnh báo khi nhu cầu làm đẹp của chị em ngày càng cao.

Đẹp chưa thấy, mạng đã mất

Trường hợp đi làm đẹp lại tử vong như bà Lệ không hiếm. Tháng 7.2017, TP.HCM đã liên tục có các vụ tử vong sau khi đi thẩm mỹ viện. Một nạn nhân là  đàn ông 53 tuổi, quốc tịch Mỹ đã tử vong sau khi đến Viện Thẩm mỹ Việt Thành (quận 10, TP.HCM) để cắt da vùng hông lưng. Sau khi tiêm thuốc tê khoảng 10-15 phút, bệnh nhân có dấu hiệu trụy mạch, dù được cấp cứu nhưng không qua khỏi. Nguyên nhân tử vong được xác định là bệnh nhân bị sốc phản vệ do thuốc gây tê.

Sau đó, một nạn nhân khác là chị S.B.T, 22 tuổi (ngụ huyện Hóc Môn) tử vong sau gần một tháng nâng ngực tại Bệnh viện (BV) tư nhân Vạn Hạnh (quận 10, TP.HCM). Khi được đưa đến BV Nhân dân 115 cấp cứu, các bác sĩ cho biết bệnh nhân tử vong do nhiễm trùng hậu phẫu. Điều đáng nói, các bác sĩ phát hiện thêm bệnh nhân đang mang thai khoảng 17 tuần, trong khi về nguyên tắc khi bệnh nhân mang thai không nên làm phẫu thuật thẩm mỹ.

Còn tháng 5.2018, BV Bưu điện (Hà Nội) đã tiếp nhận một bệnh nhân bị sốc phản vệ do tiêm thuốc làm trắng da. Bệnh nhân là chị Nguyễn Thị H (29 tuổi, trú tại Hà Nội). Chị H nhập viện trong tình trạng sốt cao, nôn liên tục, nổi mẩn đỏ toàn thân, khó thở, huyết áp tụt. Chẩn đoán chị H bị sốc phản vệ, các bác sĩ đã nhanh chóng tiêm cấp cứu sốc phản vệ. May mắn, bệnh nhân đã qua khỏi cơn nguy kịch.

img

 Một ca phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực do GS Trần Thiết Sơn thực hiện. ảnh: Diệu Linh

GS-TS Trần Thiết Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình (BV Xanh Pôn), Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình (Đại học Y Hà Nội) cho biết, trước khi thực hiện cuộc phẫu thuật cần phải tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn diện như gan thận, hô hấp, tim mạch, chức năng đông cầm máu... Bệnh nhân nên thông tin cho bác sĩ về tiền sử bệnh tật, các thuốc bị dị ứng nếu có. Đối với những người bị tiểu đường, tim mạch, máu khó đông, có HIV, viêm gan B, u ngực, người mắc bệnh tự miễn sẽ không có chỉ định nâng ngực.

Coi thường tính mạng, sức khỏe

TS-BS Vũ Thái Hà- Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (BV Da liễu T.Ư) chia sẻ, hiện nay có khá nhiều bệnh nhân bị biến chứng do tiêm filler khiến chỗ tiêm bị sưng phồng, vón cục, lở loét, tạo mủ, hoại tử. Nguyên nhân thường do bệnh nhân bị tiêm các sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc hoặc tại các cơ sở không đáng tin cậy hoặc không được cấp phép; người thực hiện thủ thuật không có chuyên.

Một báo cáo được công bố tại Hội nghị thẩm mỹ Pháp - Việt tổ chức tại Đại học Y Hà Nội cho thấy tỷ lệ biến chứng của phẫu thuật nâng ngực là 5,8% trên tổng số 1.561 túi độn ngực. Các biến chứng sớm sau mổ như tụ máu, nhiễm trùng, toác vết mổ, là 2,3%. Các biến chứng muộn như vỡ túi silicone 2%, túi giọt nước bị xoay 0,5%, co thắt bao xơ 1%.

Thực tế, chị N.T.T, 30 tuổi, ở Hà Nội, đến BV Da liễu khám trong tình trạng mũi bị bầm tím, đau tức mũi. Chị T cho biết, trước đó 4 ngày, chị đã tiêm chất làm đầy (filler) vào vùng mũi bởi một nhân viên Spa (không phải bác sĩ, không phải y tá)  ở Hà Nội. Rất may bệnh nhân đến viện sớm nên đã được can thiệp kịp thời, giải chất filler.

Không may mắn như bệnh nhân T, chị Đ.T.M (23 tuổi, Hà Nội) đã phải chung sống với cái mũi “sứt sẹo” sau khi làm đẹp. Toàn bộ tháp mũi bệnh nhân sưng nề, nhiều ổ mủ lan rộng đỉnh mũi và sống mũi, sống mũi đỏ, tiết dịch và có dấu hiệu hoại tử nhiều vùng mũi. Theo TS-BS Phạm Cao Kiêm-Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng (BV Da liễu T.Ư), tình trạng bệnh nhân này rất khó tiên lượng bởi chất làm đầy này đã xâm nhập vào mạch máu, gây phá huỷ tế bào.

Các trường hợp chị em chủ quan với sức khỏe và tính mạng của mình khi đến các spa, thậm chí chỉ là tiệm làm đầu để tiêm thuốc trắng da, tiêm thuốc giảm béo, xăm môi, xăm mắt, xăm lông mày, cắt mí, tạo má lúm đồng tiền.. có không ít. Sở Y tế Hà Nội từng nhận được tố cáo của một phụ nữ sau khi tiêm thuốc giảm béo ở spa mất 18 triệu đồng mà… vẫn béo.

Ông Tô Tử Anh - Phó Trưởng phòng Hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết: "Theo quy định, các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.

Tuy nhiên, dù đã khuyến cáo vậy, các chị em vẫn bất chấp tính mạng, muốn làm đẹp nhanh, giá rẻ nên vẫn cứ tìm đến các cơ sở làm đẹp này. Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái - Trưởng Khoa phuật tạo hình thẩm mỹ (BV Việt Nam - Cuba cũng đã từng phải giải quyết hậu quả cho một số các ca bệnh viêm nhiễm nghiêm trọng khi tiêm filler giá rẻ ở những cơ sở làm đẹp không được cấp phép. Chất filler rởm vón cục nhỏ lổn nhổn khắp nơi khiến việc phẫu thuật, “bới tìm” để gắp các hạt nhỏ này vô cùng khó khăn. Đương nhiên các vùng viêm nhiễm (mũi, mắt, cằm…) sẽ bị tổn thương nặng nề. Các bệnh nhân sẽ phải chi một số tiền lớn để “cứu vãn” lại nhan sắc đã bị hư hỏng. Nhưng cũng có người không thể tìm lại vẻ đẹp xưa.