Người Việt nói chung ít quan tâm triển lãm nghệ thuật, triển lãm khoa học, chỉ háo hức với triển lãm ô tô. Những triển lãm nghệ thuật hay khoa học muốn níu chân người xem thường phải có gì đó khác lạ, gây tò mò. Thí dụ triển lãm nude “miền cổ tích” của Thái Phiên vừa qua rất hút khách, thừa thắng xông lên, anh lại mang tiếp ra Hà Nội để chinh phục người Tràng An thanh lịch.
Triển lãm cơ thể người không phải là triển lãm nghệ thuật, tuy mẫu vật có xu hướng tạo dáng theo tác phẩm điêu khắc. Một trong những lý do khiến nó lôi kéo sự quan tâm của dư luận, bởi là triển lãm đầu tiên về loại hình này. Theo thông tin lượm lặt, trong vài ngày mở cửa, triển lãm đã thu hút hàng nghìn khán giả mua vé tham quan. Ngay ngày khai mạc đã đón hơn 300 người. Còn kết quả lấy ý kiến độc giả từ một trang báo điện tử cũng phản ánh: Chỉ có 37% khán giả cảm thấy triển lãm này ghê rợn và phản cảm.
63% cho rằng triển lãm hữu ích và mang tính khoa học. Các ý kiến phản đối, đồng tình đều có lập luận đáng suy nghĩ: “Vấn đề ở đây là đạo đức. Họ hiến tạng để sinh viên trường y học chứ không ai đồng ý hiến tạng để triển lãm”; “Hiến xác nhân đạo cho y khoa vậy mà đem ra làm trò bán vé, thiếu tôn trọng người hiến và gia đình họ”; “Thời đại 4.0 rồi. Trong khi có nhiều cách để thay thế và triển lãm cũng không mang lại điều đặc biệt gì cho khoa học thì đừng mượn danh khoa học để bảo vệ cho cuộc triển lãm phi đạo đức này” v.v…
Nhưng phe hứng thú cũng có lí của họ: “Ai thích tìm hiểu học hỏi thì vào, còn ai tò mò rồi kinh hãi, rồi nói không phù hợp với đạo đức hoặc tâm linh thì chẳng bao giờ mở mang tri thức của mình. Tôi không học ngành y nhưng coi triển lãm này thấy sức sống và cơ thể người thật tuyệt diệu”. Một độc giả ở nước ngoài bày tỏ: “Ở San Jose, tôi cho con bé 4 tuổi của mình đi xem. Tôi chẳng có kiến thức về y khoa, nhưng giả vờ nói với con rằng phổi màu xám là do người này lúc còn sống hút thuốc.
Còn kia là phổi màu hồng chứ không phải màu xám. Con tò mò thích thú. Trong lòng tôi cũng muốn ở Việt Nam có được mô hình như vậy để các em nhỏ được xem, được khơi dậy sư ham mê y học. Vậy mà bây giờ đã có được lại bị ngưng, buồn quá”. Vị độc giả viết tiếp: “Không phải ai cũng thích thú hoạt động này. Vài người bạn của tôi cũng sợ và họ không đi xem, đó là quyết định của họ, chứ điều đó không liên quan gì đến đạo đức của ai hay sự phản cảm gì cả”.
Tuy nhiên, dù ưng hay không ưng thì cũng khá khó để có một triển lãm tương tự diễn ra. Làm sao có những bằng chứng xác nhận người hiến xác đồng ý xuất hiện ở triển lãm tại thời điểm này? Bởi trước đây khi quyết định hiến xác có lẽ người ta chưa mường tượng tới một triển lãm về sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người.
Bây giờ khi triển lãm đã diễn ra, khen, chê đủ cả, dư luận ồn ào, những người có ý định hiến xác sắp tới chắc cũng ngập ngừng trong mọi quyết định. Mà ngay cả có được sự đồng ý của người hiến xác thì triển lãm chắc gì đã có, vì những vấn đề như phản cảm, vi phạm đạo đức, tâm linh người Việt… rất khó để định giá.
Ở đây, ít nhiều cần sự táo bạo của nhà quản lý. Giống như họ đã cởi trói cho nude. Thông tin vui vẻ cho giới yêu nhiếp ảnh và các nghệ sỹ chuyên dòng nude những ngày qua: Triển lãm nude đầu tiên tại Hà Nội sẽ không phải dán nhãn 18+. Thế là thoải mải còn gì? Nhưng được thoải mái cũng không chắc sáng tạo sẽ thăng hoa hơn.