Đây là thông tin mới nhất trong phiên họp kín đầu tiên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia bàn về phương án tăng tiền lương tối thiểu vùng (LTTV) năm 2019 dưới sự chủ trì của ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, chiều nay (9.7).
Đại diện cho người lao động, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đề xuất phương án tăng LTTV năm 2019 là 8% (tăng từ 220 – 330.000 đồng). Phương án này sẽ đáp ứng được 95,4% nhu cầu sống tối thiểu.
Những căn cứ để Tổng LĐLĐVN đưa ra phương án trên là Điều 91 Bộ luật Lao động: “Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động (NLĐ) làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện LĐ bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, gia đình họ”.
Bên cạnh đó là căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW, căn cứ vào chỉ số GDP tăng khoảng 7%, CPI khoảng 4%, năng suất lao động xã hội tăng khoảng trên 5%... và kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐVN về tiền lương, thu nhập, đời sống của NLĐ năm 2018.
Các phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia năm nào cũng nóng bởi độ "vênh" nhau của các mức đề xuất tăng lương. Ảnh: M.N
Trái ngược với mong muốn đề xuất của đại diện người lao động, bên lề cuộc họp, trao đổi với báo chí ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đại diện cho chủ sử dụng lao động cho biết: “Đa phần những ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp đều cho rằng chưa nên điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2019. Do đó, chúng tôi sẽ trao đổi thêm với các thành viên khác của hội đồng để đưa ra kết luận cuối cùng”.
Trong khi đó, ông Doãn Mậu Diệp - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia nhấn mạnh, theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, tinh thần cải cách tiền lương tiến tới Nhà nước sẽ không can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Từ đó, thúc đẩy cơ chế thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động.
“Từ nay đến năm 2020, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đáp ứng mức sống tối thiểu. Tiếp đó, nhấn mạnh tiền lương tối thiểu nhắm tới nhóm lao động có tiền lương thấp nhất trên thị trường. Những yếu tố như GDP, năng suất lao động, tiền lương trên thị trường lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp... sẽ là căn cứ để đưa vào thương lượng tiền lương tối thiểu” - ông Diệp nhấn mạnh.