Sau Cách mạng tháng Mười (1917) và Nội chiến (1917 – 1922) liên miên, hệ thống y tế của Liên bang Xô Viết mới thành lập đã phải đối mặt với loạt thách thức do dịch tả, thương hàn, đậu mùa… trong khi nhân viên y tế, thuốc men và bệnh viện đều thiếu.
Trong năm đầu tiên sau khi LB Xô Viết ra đời, tỷ lệ tử vong tăng gấp 3 trong khi tỷ lệ sinh giảm một nửa. Thực tế đó đòi hỏi một hệ thống hỗ trợ y tế tập trung khẩn cấp.
Nhà nước Xô Viết đã ban hành một hệ thống chăm sóc y tế đồng nhất cho toàn bộ đất nước, từ Moscow và Leningrad đến các làng mạc hẻo lánh. Tất cả công dân đều được đăng ký với những cơ sở y tế nơi sinh sống.
Điểm đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân là các trạm sơ cứu. Sau đó, họ có thể được đưa lên các phòng khám đa khoa cấp quận, huyện. Nếu cần thiết, họ có thể được đưa lên các bệnh viện tỉnh, thành phố. Trong các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, bệnh nhân được đưa vào các cơ sở chuyên khoa. Một hệ thống tương tự được dựng lên cho bệnh nhi.
Bên cạnh đó là hệ thống bệnh viện của ngành nhằm phục vụ khám chữa bệnh cho từng nhóm công nhân viên chức như cảnh sát, nhân viên đường sắt, sỹ quan hải quan, thợ mỏ…
Quyền được chăm sóc y tế miễn phí đã được khẳng định trong Hiến pháp của LB Xô Viết năm 1936 và được coi là quyền cơ bản như quyền được giáo dục, làm việc…
Hệ thống này không chỉ chữa bệnh mà còn chú trọng phòng bệnh với hệ thống các điểm phát thuốc, ban đầu đều chữa các bệnh hoa liễu, nghiện rượu, lao… Những cơ sở này không chữa bệnh nhưng vẫn phục vụ bệnh nhân và sẵn sàng ngăn chặn dịch bệnh đe dọa những người khác.
Thời kỳ này, tiêm phòng là bắt buộc đối với tất cả trẻ em và người lớn, thậm chí một người đi tìm việc có thể bị loại vì không tiêm phòng đủ.
Thành quả của công tác chăm sóc y tế này là trong Cuộc chiến vệ quốc vĩ đại (1941-1945), các nhân viên y tế đã giúp cho 72% người bị thương và 90% binh sỹ bị ốm, tương đương 17 triệu người, có thể trở lại mặt trận.
Hệ thống y tế này cũng bao gồm nhiều khu an dưỡng và nghỉ dưỡng.
Chỉ đến cuối thời kỳ Xô Viết, một số dịch vụ y tế mới bị tính phí.
Thành một thông lệ, bệnh nhân thường cảm ơn bác sỹ bằng những món quà nhỏ như chocolate hay chai rượu cognac.
Sau khi nhà nước Xô Viết sụp đổ, hầu hết các dịch vụ chăm sóc y tế vẫn miễn phí ở Nga song chất lượng cần phải cải thiện rất nhiều vì họ phải cạnh tranh với các phòng khám tư vốn có đội ngũ nhân viên y tế cao cấp hơn