Hôm qua (9.7), TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Tình (sinh ngày 29.1.2000, quê huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) về các tội giết người và cướp tài sản. Tình bị cáo buộc sát hại 5 người trong gia đình xảy ra dịp cận Tết vừa qua.
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng hành vi của Nguyễn Hữu Tình là đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tính chất côn đồ, dã man, một lúc giết nhiều người, đâm nhiều lần.
Nguyễn Hữu Tình bị tuyên án tử hình.
Đồng thời, nhằm mục đích che giấu hành vi phạm tội, bị cáo giết những đứa trẻ vô tội, không có lỗi, dưới 16 tuổi. Sau khi thực hiện xong hành vi giết 5 người, Tình còn lấy đi nhiều tài sản.
Do đó, Viện kiểm sát đề nghị áp dụng hình phạt tử hình với bị cáo Nguyễn Hữu Tình về tội giết người, 7 -8 năm năm tù về tội cướp tài sản, hình phạt chung là tử hình. Buộc bị cáo bồi thường hơn 198 triệu đồng theo yêu cầu của gia đình bị hại.
Từ những nhận định trên, HĐXX quyết định tuyên phạt HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo mức án tử hình về tội giết người, 8 năm tù về tội cướp tài sản. Tổng hợp hình phạt bị cáo Tình phải chấp hành là tử hình.
Khi được nói lời sau cùng, Tình bảy tỏ sự hối hận và xin được hiến tạng cho y học.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, từ trước tới nay chưa có tử tù nào được chấp nhận hiến tạng, hiến xác, đây là vấn đề rất khó.
Vị luật sư này phân tích, hiện nay, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.
Tuy nhiên, cả luật này lẫn Luật Thi hành án hình sự đều không quy định về hiến tạng, hiến xác đối với tử tù.
Thêm nữa, theo Luật Thi hành án hình sự, khi thi hành án tử đối với các bị án thì phải tiêm thuốc độc. "Khi đã tiêm thuốc độc vào người thì liệu cơ thể có đảm bảo để hiến tạng, hiến xác hay không là cả một vấn đề mà y học phải nghiên cứu" - luật sư đặt câu hỏi.
Bởi muốn hiến tạng, hiến xác thì phải là một cơ thể “sạch”, phải đảm bảo được các điều kiện khoa học nhất định.
“Việc cho tử tù hiến tạng là vấn đề đã được đem ra thảo luận, theo tôi muốn thực hiện được việc này, cần phải sửa đổi luật cho phù hợp nhưng quan điểm của riêng tôi là không nên vì như thế sẽ làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật”, luật sư Thơm nói.
Ngoài ra, vị luật sư này cũng đưa ra giả thiết, nếu có thực hiện được, việc lấy tạng của tử tù được tiến hành trước hay sau khi thi hành án cũng là một câu hỏi khó giải đáp.
Bởi lẽ mục đích của việc tử hình không chỉ nhằm trừng trị tội ác tử tù đã gây ra mà còn để bản thân tử tù hiểu được và tiếp nhận hình phạt này. Nếu chấp thuận việc hiến tạng trước khi thi hành án thì mục đích này sẽ không đạt được đầy đủ.