Dân Việt

Vườn dược liệu quý của Đức thánh Trần

12/12/2011 06:28 GMT+7
(Dân Việt) - Ở Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương), có một địa chỉ cũng nằm trong “Bát cổ Chí Linh” mà nhiều người chưa biết, chưa từng đặt chân tới là vườn thuốc cổ của Hưng Đạo Đại Vương.

Nằm ở thôn Dược Sơn, xã Hưng Đạo, trải qua hơn 700 năm, vườn thuốc một thời tồn tại những linh dược quý hiếm, không đâu có đã bị vùi chìm trong sự lãng quên...

img
Ông Lịch giới thiệu những cây - vị thuốc ở Dược Sơn.

Quà tặng của thánh thần

Sau khi đại thắng quân Nguyên lần thứ 3, theo sử sách, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn về lập thái ấp ở Vạn Kiếp. Bởi đây là phòng tuyến huyết mạch, có thể chặn đứng những cuộc viễn chinh cả đường bộ lẫn đường thủy của triều đình phương Bắc nên đức vương tuyển nhiều quân sĩ, ngày đêm rèn luyện võ nghệ, sẵn sàng tử sinh vì nước. Binh sĩ đông, lại luyện rèn đêm ngày nên nhiều người đã không tránh khỏi thương vong hay vướng vào những chứng bệnh hiểm nghèo.

Tương truyền, thuốc thang khan hiếm, thấy quân lính hao mòn, Hưng Đạo Vương lo lắm. Nỗi lo lắng của ngài đã kinh động đến cả cao xanh. Vậy là, một đêm, Ngọc Hoàng đã sai Nam Tào hóa thành tiên ông, đầu đội khăn nâu, người vận áo dài đen, vai đeo túi cói cưỡi mây hạ thế, xuất hiện trong giấc chiêm bao của đức ngài.

Vừa thấy đức ngài, tiên ông đã vái ba vái và nói: "Tôi là Dược Linh, biết Đức Ông đang cần thuốc chữa cho ba quân tướng sĩ nên tôi đem biếu". Hưng Đạo đại vương cảm tạ và đón nhận túi cói mà vị tiên ấy trao tặng. Mừng rỡ mở túi ra, ngài chỉ thấy có cây thuốc giống. Cầm cây thuốc, ngửng mặt lên thì tiên ông đã cưỡi mây về trời tự lúc nào. Nỗi băn khoăn về mấy giống ấy khiến đức ngài bừng tỉnh...

Mấy hôm sau, trên đường từ xưởng đóng thuyền về phủ, đi qua một cánh rừng, ngựa của đức ngài cứ hí vang, tung vó mà chẳng chịu bước. Biết có sự lạ, ngài xuống ngựa để kiểm tra. Và, thật bất ngờ, dưới chân ngựa là những cây thuốc giống hệt như cây mà tiên ông đã trao cho ngài trong giấc mơ hôm nào.

Biết mình đã được thần linh trợ giúp, đức ngài đã đem những cây thuốc đó về trồng ở dãy núi cách Kiếp Bạc chừng gần cây số. Nhờ có vườn thuốc này mà tướng sĩ của Hưng Đạo đại vương đã vượt qua được cơn nguy biến bởi bệnh tật và trở thành đoàn quân bách chiến bách thắng sau này. Và, ngọn núi nơi đức ngài trồng thuốc quý được người trong vùng gọi là núi Dược Sơn, tên này vẫn tồn tại cho tới ngày nay.

Thực tế vì sao lại có núi thuốc quý trên xuất hiện ở nơi mà người dân chủ yếu làm nghề nông? Theo ông Nguyễn Văn Sông - Trưởng ban quản lý di tích Chí Linh thì ngay khi chọn Vạn Kiếp là căn cứ, rồi thành thái ấp sau này, Hưng Đạo đại vương đã lựa được thế đất rồng cuộn hổ ngồi. Theo đó, Vạn Kiếp nằm chính giữa, hai bên là núi Nam Tào và Bắc Đẩu, tựa như chiếc ngai vàng có hai bên thành vững chãi. Khí hậu ở hai đỉnh núi trên cũng có nhiều điểm khác biệt so với ở vùng thấp.

Người duy nhất sống bằng nghề thuốc

Chúng tôi tìm đến thôn Dược Sơn sau một hồi hỏi đường và đi vòng vèo qua mấy cung đường cua ngoắt ngoéo được phủ lấp bởi những tán thông xanh rì. Ngỡ tưởng sống ở nơi có kho thuốc quý thì ở thôn có cái tên đã thấy "nồng nàn vị thuốc" ấy phải có nhiều người sống bằng nghề lang, thậm chí làm giàu bằng nhờ những thảo dược mà người xưa để lại này.

Thế nhưng, thực tế thì không phải thế. Dược Sơn hiếm người làm thuốc. Dân ở đây vẫn sống chủ yếu bằng nghề nông. Ngày xuân, ngày hội thì họ kiếm thêm bằng nghề đàn hát ở những canh hầu đồng, hoặc làm dịch vụ ăn theo lễ hội. Hỏi tìm, sau một hồi đăm chiêu, ông trưởng thôn Vũ Chí Phủng mới à lên và giới thiệu cho chúng tôi ông Đinh Văn Lịch, một người tạm gọi là thầy lang đang sống ở đất này.

Tương truyền, cùng với vườn thuốc mà Ngọc Hoàng ban, Hưng Đạo Vương đã cho ngự y tuyển chọn các cây thuốc Nam ở khắp nơi về giao cho tướng quân Phạm Ngũ Lão tổ chức trồng trên núi Nam Tào, nơi mà đức ngài đã có tìm hiểu kỹ về tự nhiên, thổ nhưỡng... Ban đầu, diện tích vườn thuốc rộng gần 20ha, phủ kín ngọn núi.

Ông Lịch có nghề thuốc gia truyền, tuy không nức tiếng như các ông lang, bà mế ở những vùng được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều cây thuốc quý như Hòa Bình, Sơn La... nhưng ngay từ khi xuất ngũ, ông đã nuôi sống gia đình nhờ những cỏ cây tìm được trên núi thuốc Nam Tào. Hiện nay, ông đang có một cửa hàng thuốc Nam nhỏ ở ngay đỉnh núi, trước cửa đền, bán chác lặt vặt cho những người từ phương xa tới hành lễ, dâng hương.

Ông Lịch dáng người đậm chắc, tráng kiện. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên về sức vóc của mình, ông bảo, tất cả đều do nghề thuốc đem lại. Ngày còn quân ngũ, ông được anh em đồng đội quý mến bởi con mắt "nhìn đâu cũng thấy thần dược".

Chính nhờ biết nhiều loại thuốc Nam nên khi ở rừng, ông đã cứu nhiều đồng đội thoát khỏi những chứng bệnh hiểm nghèo. Và, bởi cái tài với đâu cũng được thuốc đó nên ông có điều kiện chăm sóc sức khỏe của mình. Đến giờ, dù đời sống lam lũ, vất vả nhưng tuyệt nhiên ông không mắc phải bất cứ chứng bệnh gì mà tuổi già thường hay bận vướng.

Kỳ 2: Thuốc quý dần tuyệt tích