Dân Việt

Thị trường chứng khoán bốc hơi nghìn tỷ và "tội đồ" của nhóm cổ phiếu "vua”

Quốc Hải 11/07/2018 13:46 GMT+7
Trái ngược với những tháng đầu năm 2018 khi nhóm cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm của thị trường khi góp công lớn trong việc kéo VN-Index tăng mạnh nhờ kết quả kinh doanh tích cực. Thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu "vua” lại là "tội đồ" khiến chỉ số VN-Index sụt giảm, thị trường chứng khoán bốc hơi nghìn tỷ...

img

Kết quả giao dịch nhóm "cổ phiếu vua" tính đến 11h trưa ngày 11.7.2018 (Ảnh chụp màn hình)

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc tăng quá nóng trong thời gian ngắn khiến các cổ phiếu ngành ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh và kéo theo sự sụt giảm của chỉ số VN-Index trong thời gian ngắn cũng là điều dễ hiểu.

Đồng loạt giảm điểm

Theo thống kê, trên sàn HoSE hiện niêm yết 11 cổ phiếu ngân hàng với tổng giá trị vốn hóa hơn 644.340 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22% giá trị vốn hóa toàn sàn. Trong đó, với top 10 doanh nghiệp vốn hoán lớn nhất thị trường, đã có 3 cái tên ngân hàng gồm: Vietcombank, Techcombank và Vietinbank. Nhìn rộng ra trong top 20, nhiều cái tên ngân hàng khác như: BIDV, VPBank, MBBank, HDBank cũng lọt vào danh sách này.

Còn trên sàn HNX và UPCoM, các mã ngân hàng như: ACB, LPB cũng được xếp vào hạng có “sức nặng” trên 2 sàn giao dịch. Từ đây, có thể thấy được sức ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu "vua” đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Minh chứng là, trong quý I.2018, khi chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng hơn 19%, nhóm cổ phiếu ngân hàng là tác nhân chính dẫn dắt toàn thị trường khi tăng trưởng trung bình toàn ngành từ 35-40%. Trong đó, trên HoSE thì 9/11 mã ngân hàng (trừ EIB và STB), ghi nhận mức tăng trên 30%. Còn trên HNX và UPCoM, các mã ACB, LPB đều ghi nhận mức tăng 30-40%.

Tuy nhiên, bước sang quý II.2018 cho đến thời điểm hiện tại, khi chỉ số VN-Index mất 22 - 25% giá trị về mức khoảng 900 điểm, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là... “tiên phong” đóng góp đà giảm chỉ số. Nhiều mã lao dốc 30-40%, chẳng hạn như: BIDV (mã chứng khoán: BID, giảm hơn 50% từ 44.500 đồng/CP xuống còn 22.450 đồng/CP), cổ phiếu VietinBank (mã chứng khoán: CTG, giảm từ 37.300 đồng/CP xuống còn 21.350 đồng/CP, tương đương 42,7%)...

Trong khi đó, mã TCB của Techcombank, sau khi phát hành cổ phiếu thành công để tăng vốn điều lệ đã chính thức trở thành mã cổ phiếu có vốn hóa thị trường đứng thứ ba nhóm ngành ngân hàng (sau Vietcombank và Vietinbank), hiện chỉ còn 26.100 đồng/CP, giảm mạnh so với vùng giá 40.000 đồng/CP như kỳ vọng của lãnh đạo TCB trước khi niêm yết trên HoSE.

Vì sao nhóm cổ phiếu “vua” bốc hơi mạnh?

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng mạnh từ cuối năm 2017 và sang đầu năm 2018 thì tăng rất mạnh, có lúc VN-Index lên đến 1.200 điểm và sau đó vào khoảng tháng 4 thì các cổ phiếu xuống giá nhiều, trong đó có nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nguyên nhân khiến cổ phiếu ngân hàng giảm giá nhanh có lẽ là do xu hướng chung của thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ số VN-Index lên nhanh có thể do đầu cơ, có thể do thổi giá lên và cũng có thể do các nhà đầu tư quá lạc quan về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam nên họ đổ tiền vào nhóm cổ phiếu ngân hàng rất nhiều.

Khi mà kinh tế thế giới biến động được thể hiện qua chỉ số Dow Jones (Dow Jones indexes - là chỉ số giá chứng khoán bình quân của thị trường chứng khoán New York, cũng là chỉ số giá bình quân của 65 blue chips  trong số các chứng khoán được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York - NYSE) chao đảo thì kéo theo thị trường chứng khoán Việt Nam suy giảm và dĩ nhiên là nhóm ngân hàng sẽ dẫn đầu trong việc giảm giá.

Đặc biệt, cũng theo ông Nguyễn Trí Hiếu, rủi ro lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam là dựa quá nhiều vào dòng vốn ngoại. Nhà đầu tư ngoại thường có 2 thị trường là thị trường truyền thống (New York, Tokyo, London...) và thị trường mới nổi. Với những thị trường truyền thống thì đây là những thị trường đầu tư chính của nhà đầu tư nước ngoài, khi những thị trường này tăng điểm, nhà đầu tư ngoại có lời thì sẽ lấy tiền này để đồ vào những thị trường mới nổi, cận biên như Việt Nam vì đây là nơi làm giàu nhanh hơn.

“Ở chiều ngược lại, khi thị trường truyền thống của nhà đầu tư ngoại giảm điểm và lỗ thì họ sẽ lập tức rút tiền ra khỏi các thị trường mới nổi, thị trường cận biên như Việt Nam để lấy số lãi đó bù vào khoản lỗ họ đang chịu ở thị trường truyền thống. Vì vậy, dòng tiền ngoại đổ vào nhanh nhưng ra cũng rất nhanh để kiếm lời, nên không có tính ổn định”, ông Hiếu thông tin.

Trong khi đó, đánh giá về sực hút của nhóm cổ phiếu ngân hàng với dòng vốn ngoại, TS. LS. Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân BizLight cho biết, thời gian qua, cơ quan quản lý đã và đang yêu cầu các ngân hàng đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, đồng thời Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng 2017 bổ sung ít nhất 17 điểm mới trong quản trị điều hành… Với các thay đổi này trong thể chế quản lý thì việc nhà đầu tư ngoại tăng mua cổ phần tại các ngân hàng nội là điều dễ hiểu. Đây là tín hiệu tốt vì việc góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài thường đi kèm với cam kết cải thiện hoạt động quản trị, điều hành và giúp ngân hàng tăng trưởng.

Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy, chỉ số P/E dự phóng hiện nay của Việt Nam đã và đang quay về tiệm cận mức trung bình trong 3 năm gần đây. Cụ thể, từ năm 2015 đến hết quý III.2017, P/E dự phóng đều quay quanh mức trung bình với biên độ thấp và sau một thời gian chỉ số này tăng mạnh ở biên độ rộng có khi lên đến gần 21.0x, vì vậy mới dẫn đến sự điều chỉnh mạnh của thị trường trong thời gian gần đây. Mức P/E dự phóng hiện tại gần 16.0x so với mức trung bình 3 năm là 15.5x được coi là một mức điều chỉnh hợp lý.