Dân Việt

Nhà đầu tư rời thị trường BĐS Hà Nội đi đâu?

Trần Kháng 12/07/2018 16:03 GMT+7
Tính nhộn nhịp, sôi động mua đi, bán lại trên thị trường đã gần như không còn ở Hà Nội nữa. Hầu hết giới đầu tư, đầu cơ đã chuyển hướng đến các thị trường mới nổi tại các tỉnh lẻ…

Theo thống kê của Hội môi giới BĐS Việt Nam, tổng lượng cung và giao dịch BĐS về nhà ở chung cư và nhà ở gắn liền với đất trong 6 tháng đầu năm đều tăng. Trong đó, lượng sản phẩm nhà ở chung cư vẫn chiếm đa số và lượng cung chủ yếu vẫn là tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Tại Hà Nội, tổng lượng căn hộ chung cư trong 6 tháng đầu năm được mở bán là 15.012 căn, trong đó nguồn cung ở phân khúc chung cư có mức giá bình dân vẫn chiếm đa số với 43,8% và lượng hấp thụ ở phân khúc này vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất. Nguồn cung chủ yếu vẫn tập trung ở các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm và Long Biên. 

Tính trong quý II.2018, lượng giao dịch nhà ở chung cư tại Hà Nội là 6.755 giao dịch, tăng  mạnh  khoảng 32,7% so với quý I.2018 và tăng 24,7% so với cùng kỳ 2017. Lượng sản phẩm được giao dịch chủ yếu vẫn nằm ở phân khúc chung cư có mức giá bình dân, chiếm 47,2% tổng lượng căn hộ chung cư giao dịch trong quý. Tiếp đó là chung cư trung cấp chiếm 40,8% và căn hộ chung cư cao cấp chỉ chiếm 12%.

Theo đánh giá của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thị trường BĐS Hà Nội 6 tháng đầu năm 2018 vẫn đạt số lượng giao dịch rất ấn tượng, tăng hơn 6 tháng đầu năm 2017 là 31%, chủ yếu các giao dịch là người tiêu dùng thực thụ.

Tính nhộn nhịp, sôi động mua đi, bán lại trên thị trường của các nhà đầu tư, đầu cơ đã gần như không còn ở Hà Nội nữa, hầu hết giới đầu tư, đầu cơ đã chuyển hướng đến các thị trường mới nổi tại các tỉnh lẻ trên cả nước, nơi có giá BĐS đang ở mức thấp, có khả năng tăng giá sinh lời. Đây cũng là  nguyên nhân làm giá BĐS ở Hà Nội không tăng mạnh, thậm chí một vài phân khúc còn giảm như phân tích ở trên. 

img

Mặc dù lượng cung và giao dịch đều tăng, nhưng nhà đầu tư vẫn đang có xu hướng rời xa Hà Nội. 

Ngoài ra, chung cư tại Hà Nội cho thấy sự phân bổ hợp lý đã dần xuất hiện. Trong tổng lượng nguồn cung tại các dự án chung cư, nguồn cung căn hộ có giá bình dân đã chiếm tỷ trọng lên đến gần 60% tổng lượng cung chào bán ra thị trường và ngược lại, loại căn hộ siêu cao cấp (có giá bán trên 50 triệu đồng/m2) chỉ chiếm tỷ trọng trên 1%. Cho thấy các chủ đầu tư phát triển dự án BĐS đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và đánh giá chính xác nhu cầu thị trường.

Thực tế, xuất phát từ sự hợp lý trong cơ cấu phân khúc sản phẩm của thị trường BĐS Hà Nội, cần đến sự hấp thụ của thị trường tốt hơn so với quý II của các năm trước, đạt đến 76% tỷ lệ hấp tụ (6.755 căn/8.863 căn). Trong đó, phân khúc có giá bình dân giao dịch chiếm tỷ trọng trên 47% và phân khúc cao cấp chỉ đạt 12%.

Cùng với sự tăng trưởng trong nhà ở chung cư, nhà liền kề và nhà phố là loại sản phẩm ít được ra hàng trong thời gian vài năm trở lại đây tại Hà Nội. Trong quý II.2018 nguồn cung chào bán lên đến 1639 sản phẩm, nằm chủ yếu tại quận Hoàng Mai, Quận Hà Đông, Quận Long Biên và huyện Mê Linh. Tuy nhiên, đây là loại sản phẩm có giá trị cao, từ 6 – 7 tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng. Chỉ thích chợp với số ít khách hàng, nên khó tiêu thụ. Lượng giao dịch đạt khoảng 130 sản phẩm và tính hấp thụ đạt khoảng 8%.

Cũng theo ghi nhận của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, đất nền tại các tỉnh phía Bắc bắt đầu được quan tâm từ cuối 2016, tuy nhiên, đến đầu năm 2018 thì thị trường thực sự phát triển mạnh mẽ. Xuất hiện hiện tượng sốt đất tại một số các tỉnh phía bắc như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh…Các tỉnh thành này có sự điều chỉnh giá mạnh so với các năm trước đây.

Lý giải cho nguyên nhân này, có thể nói đến do giá đất ở Hà Nội bị đẩy lên mức giá cao, tạo ra xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh thành lân cận của các doanh nghiệp và nhà đầu tư, tại đây, doanh nghiệp sẽ dễ phát triển dự án hơn vì nguồn vốn đầu tư không quá lớn.