Dân Việt

Hát lại ca khúc cũ: "Ăn đong" để kiếm triệu like?

Mai Linh 12/07/2018 19:05 GMT+7
Cuộc đua “triệu like” trở thành trào lưu ảo của các ca sĩ trẻ. Nhưng trong một rừng bài hát “triệu like” ấy để gọi tên một ca khúc thực sự có chất lượng nghệ thuật quả là gian nan.

Đua like – ai được?

Thị trường nhạc trẻ đang sôi động với nhiều bài hát hit, chục hay trăm triệu like là chuyện bình thường. Nhưng đằng sau cuộc “đua like” ấy là sự thiếu hụt những ca khúc hay và chất lượng. Trên các bảng xếp hạng âm nhạc, mỗi ngày có hàng chục bài hát của những ca sĩ, nghệ sĩ trẻ ra đời. Cùng với đó là sự kêu gọi “cày view” của ca sĩ với các fan của mình. Ca sĩ nào đông fan thì nhanh chóng đạt triệu view trong thời gian rất ngắn. Thậm chí giữa fan của các ca sĩ cũng ngầm cạnh tranh để ngày đêm cày view, thêm like cho thần tượng của mình.

img

Ca sĩ Hà Anh Tuấn

Chính vì vậy mà cuộc đua “triệu like” trở thành trào lưu ảo của các ca sĩ trẻ. Nhưng trong một rừng bài hát “triệu like” ấy để gọi tên một ca khúc thực sự có chất lượng nghệ thuật quả là gian nan. Ngay cả những cái tên như Sơn Tùng MTP, mỗi sản phẩm ra mắt đều rất nhanh hiển thị con số triệu view. Thế nhưng ngay chính những người thích nhạc ca sĩ này cũng đã phải thừa nhận rằng, có những ca khúc Tùng hát không rõ lời, nội dung cũng khó hiểu, nhưng vẫn trở thành những ca khúc hit trên bảng xếp hạng. Điển hình, ca khúc mới Chạy ngay đi của Sơn Tùng, dù đạt chục triệu view nhưng cũng khiến người nghe không hiểu gì. Được gì cho người nghe?

Đến nỗi nghệ sĩ T.L phải thốt lên: "Tôi chắc mình lạc hậu nên xin hỏi: Phải chăng khuynh hướng ca nhạc hiện nay là phải hát làm sao cho người ta không nghe ra, lí nhí, lùng bùng trong miệng mới hay, hát rõ lời sẽ bị sét đánh chết phải không?” .

Lời không rõ, nội dung nghe không hiểu… là một trong nhiều lý do khiến cho nhạc trẻ nhiều nhưng thiếu chất. Chỉ một vài ca khúc nghe được trong một thị trường sôi động là điều khó tin nhưng lại là sự thật.

Cover ca khúc cũ: An toàn hay tạm thời?

Nhạc trẻ như vậy, một số ca sĩ thế hệ đi trước cũng đang lúng túng trong chính con đường của mình. Khi thiếu vắng những ca khúc hay và tạo ấn tượng cho người nghe. Nhiều ca sĩ đã chọn cover ca khúc cũ như một giải pháp tạm thời để giữ khán giả cho mình.

Lam Trường mới đây ra mắt dự án Lam Trường 9PM live bằng việc hát lại những ca khúc một thời của chính anh. Các ca khúc cũ được thu live và phát vào lúc 9 giờ thứ Sáu mỗi tuần. Trước giờ phát Lam Trường chọn livestream để giao lưu với người hâm mộ. Lam Trường cho biết: “Khi khán giả đã làm quen lại với những giai điệu trên mạng, tôi sẽ làm live show trên sân khấu để mọi người cùng ôn lại kỷ niệm, đắm chìm vào không gian âm nhạc. Tôi tin hát bằng cảm xúc mộc mạc nhất, cảm xúc sẽ lại ùa về”.

Điều này đã từng tạo thành công vang dội cho ca sĩ Hà Anh Tuấn, khi anh phát hành See sing & share tạo hiệu ứng tích cực từ khán giả. Chương trình được Hà Anh Tuấn mang ra sân khấu lớn và đã ngay lập tức cháy vé với “Romance- Người đàn ông và bông hoa trên ngực trái”…

img

Ca sĩ Lam Trường

Thẳng thắn nhìn nhận thì trào lưu cover những ca khúc một thời cũng tạo những giá trị nhất định. Nhất là khi khán giả có quá ít sự lựa chọn cho chính mình. Bên cạnh những ca khúc nhạc trẻ dễ nổi nhưng nội dung hời hợt thiếu chiều sâu đang làm mưa làm gió, thế nhưng nếu cứ mãi trong vòng quay cover những ca khúc cũ thì thị trường âm nhạc lại thiếu sự cân bằng. Đời sống âm nhạc hôm nay đang nghiêng về những ca khúc nhạt, cùng màu, nội dung chỉ là yêu đương, chia tay… Còn rất nhiều vấn đề của cuộc sống đương đại thì mảng âm nhạc mang yếu tố nghệ thuật lại không truyền tải được. Vậy nên những ca khúc “vang bóng một thời” của những thập niên trước bỗng dưng lại trở thành “món mới”. Đó hẳn nhiên là một dấu lặng buồn…