Dân Việt

Thủ tướng yêu cầu 10 Bộ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân

Anh Thơ- Minh Huệ 13/07/2018 06:20 GMT+7
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 6158/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc "Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân".

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại buổi đối thoại với nông dân. Ảnh: Lê Hiếu.

Theo công văn trên, ngày 09 tháng 4 năm 2018, tại Hải Dương, Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam với chủ đề "Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới". Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Xây dựng chương trình thương hiệu nông sản chủ lực; kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các đối tác có liên quan nhằm sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.

- Công bố rộng rãi các thông tin về thị trường nông sản như: giá, sản lượng, dự báo và định hướng thị trường... lên Website và các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cung cấp thông tin chính thống và đáng tin cậy cho người nông dân, người sản xuất, doanh nghiệp... để chủ động trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

- Thực hiện các giải pháp kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi trên thị trường; chỉ đạo các cơ sở nghiên cứu trong nước cung cấp đủ nhu cầu về các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng và năng suất cao, phù hợp với lợi thế từng vùng miền.

- Rà soát, đánh giá tổng thể, toàn diện, sâu sắc tất cả các chính sách đang thực hiện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng thời, phân tích dự báo bối cảnh tình hình mới, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung và ban hành các chính sách mới (đất đai, hạ tầng, tài chính, tín dụng, đào tạo, khoa học công nghệ, thương mại...)

- Phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam và các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tập huấn đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa sản phẩm an toàn, vai trò và tác động của kinh tế hợp tác đối với kinh tế hộ gia đình.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời thắc mắc của nông dân tại buổi đối thoại ngày 9.4. Ảnh: Đàm Duy

2. Bộ Công Thương:

- Chỉ đạo hệ thống thương vụ tại nước ngoài đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đưa hàng hóa nông sản Việt Nam thâm nhập vào các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại các quốc gia, tổ chức tuần hàng Việt Nam, vận động doanh nghiệp trong nước tham gia trưng bày sản phẩm nông sản giới thiệu tại nước sở tại.

- Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại và thực hiện truy xuất nguồn gốc. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tổng kiểm tra, rà soát tất cả các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh phân bón; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

- Tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, nhất là các rào cản đang vướng mắc tại một số thị trường lớn như: EU, Mỹ, Trung Quốc đối với các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ “Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản”.

img

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời  câu hỏi của nông dân. Ảnh: Đàm Duy

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Tổ chức xúc tiến đầu tư, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nghiên cứu ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đối với dự án tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để sản xuất hàng hóa nông nghiệp quy mô lớn.

- Chuẩn bị để Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và tích tụ đất đai tại tỉnh Lâm Đồng vào thời gian tới.

4. Bộ Tài chính:

Tiếp tục cấp bổ sung ngân sách hàng năm cho Quỹ Hỗ trợ Nông dân do Hội Nông dân Việt Nam quản lý để hỗ trợ nông dân học tập kỹ năng sản xuất và có vốn phục vụ sản xuất theo Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ mức vốn cấp bổ sung cụ thể; triển khai Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp.

img

Buổi đối thoại có sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương. Ảnh: Lê Hiếu

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, để người dân đưa đất vào sử dụng có hiệu quả trong đó có việc góp vốn, cho thuê, chuyển nhượng.. để phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nông thôn, xây dựng các mô hình quản lý, xử lý chất thải phù hợp với điều kiện khu vực nông thôn; đẩy mạnh việc xã hội hóa để huy động nguồn tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (trong đó có vấn đề về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề...).

- Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát nghiên cứu, sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản hình thành trên đất nông nghiệp để tạo điều kiện cho nông dân trong việc vay vốn sản xuất.

img

Nông dân Nguyễn Trọng Thừa (Đà Lạt, Lâm Đồng) đặt câu hỏi với Thủ tướng tại buổi đối thoại. Ảnh: Đàm Duy

6. Bộ Khoa học và Công nghệ:

- Có cơ chế khuyến khích chuyển giao ứng dụng được khoa học và công nghệ, phát triển sản xuất các sản phẩm phù hợp với các thị trường tiêu thụ.

- Hỗ trợ các địa phương, nhà sản xuất bảo hộ tài sản trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản phẩm nông nghiệp đặc thù thông qua việc xây dựng, đăng ký nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý của địa phương... Đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

7. Bộ Thông tin và Truyền thông:

- Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người nông dân tiếp cận Internet theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020.

- Phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tăng cường hoạt động truyền thông để người dân hiểu đúng về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là hỗ trợ công nghệ thông tin, internet với những nội dung cụ thể, thiết thực với những giải pháp hữu ích giúp nông dân nhanh chóng tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành nông nghiệp mang đến cho Việt Nam.

- Tăng cường thông tin tuyên truyền làm thay đổi căn bản nhận thức của nông dân về mô hình kinh tế hợp tác kiểu mới và các gương điển hình tiên tiến về liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua Hợp tác xã.

img

Đã có hơn 600 đại biểu tới dự buổi đối thoại của Thủ tướng với Nông dân Việt Nam. Ảnh: Lê Hiếu

8. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nông dân Việt Nam đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 và số 971/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là các lao động dôi dư để chuyển đổi nghề nghiệp.

- Nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho người nông dân có nhu cầu học nghề nhưng đã ngoài độ tuổi được hỗ trợ (nữ trên 55 tuổi và nam trên 60 tuổi)

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết 1 số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện trong đó có nông dân.

9. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” (Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2010); Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 (Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2011);

- Phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng và phát huy dân chủ cơ sở ở vùng nông thôn.

10. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

Tiến hành rà soát, đánh giá các vướng mắc, bất cập về thể chế pháp luật về tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh.

11. Các Bộ, ngành liên quan:

Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế hợp tác phát triển; làm tốt chức năng cung cấp dịch vụ đầu vào cho nông dân và các dịch vụ kết nối với doanh nghiệp, thị trường; hỗ trợ và xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu tập trung gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị thông qua hợp đồng kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với từng vùng, từng ngành hàng nông sản. Có chính sách thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học, tư vấn dịch vụ, ngân hàng... cùng với hợp tác xã và nông dân tham gia xây dựng chuỗi giá trị trong mô hình liên kết (6 nhà: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng, nhà phân phối).

12. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Chú trọng phát triển các hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản hàng hóa theo chuỗi giá trị. Chỉ đạo xây dựng trên địa bàn mỗi tỉnh các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với các doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, cánh đồng lớn, sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ nông nghiệp có hiệu quả. Rà soát, đánh giá kết quả xây dựng hợp tác xã, thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ theo cơ chế, chính sách hiện hành để thúc đẩy tổ hợp tác phát triển.

- Công khai minh bạch thông tin về quy hoạch, thủ tục thuê và nhận thuê đất nông nghiệp, giá thuê và cho thuê theo kỳ hạn, mục đích sử dụng đất của hộ nông dân và doanh nghiệp trong vùng dự án.

- Xây dựng, ban hành giá dịch vụ và công bố rõ mức phí vệ sinh đóng góp của người dân và mức hỗ trợ của nhà nước, bảo đảm duy trì ổn định hoạt động dịch vụ môi trường trên địa bàn; ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện bảo vệ môi trường khu vực nông thôn.

- Hàng năm, tùy theo ngân sách địa phương, cân đối cấp bổ sung ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ Nông dân cấp tỉnh, cấp huyện từ ngân sách địa phương theo Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Lần đầu tiên, Thủ tướng đối thoại với nông dân

Ngày 9.4.2018, tại tỉnh Hải Dương, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi "Đối thoại với nông dân".

Buổi đối thoại có chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới” là sự kiện do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo, tổ chức. Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt là cơ quan được giao tổ chức thực hiện sự kiện này.

Tham dự hội nghị, có hơn 600 đại biểu tham dự, gồm: đại diện lãnh đạo các Ban của Đảng, Quốc hội, lãnh đạo các Bộ; ngành Trung ương; lãnh đạo các Ban, đơn vị của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam; lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh Hải Dương; lãnh đạo 63 Hội Nông dân các tỉnh, thành; các chuyên gia, nhà khoa học; các doanh nghiệp đang đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; các cơ quan thông tấn báo chí T.Ư và địa phương.

Đặc biệt, hội nghị có sự hiện diện của 300 nông dân đến từ mọi miền Tổ quốc và tỉnh Hải Dương. Đây là lần đầu tiên, người đứng đầu Chính phủ đối thoại với giai cấp nông dân Việt Nam. 

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời một số câu hỏi của nông dân tại buổi đối thoại. Ảnh: Lê Hiếu.

Phát biểu kết luận tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: 

Đã tham dự nhiều hội nghị, diễn đàn về nông nghiệp, nông thôn nhưng đây là lần đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, tôi trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với đại diện nông dân trong cả nước, với sự tham dự trực tiếp của hơn 600 đại biểu là các nông dân đại diện đến từ mọi miền Tổ quốc và đại diện Hội Nông dân các cấp, cộng đồng doanh nghiệp. Cuộc đối thoại này có ý nghĩa rất quan trọng, hữu ích để Chính phủ trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, những thách thức trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đời sống nông dân.

Tôi rất ấn tượng và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trí tuệ, rất thẳng thắn của các đại diện cho bà con nông dân, các chuyên gia, các doanh nghiệp và các quý vị đại biểu. Từ cách đặt vấn đề, nội dung trao đổi của bà con nông dân, tôi cũng như tất cả các đồng chí tham dự Hội nghị đều cảm nhận rằng người nông dân Việt Nam hôm nay có khát khao vươn lên mạnh mẽ, nắm bắt xu thế thời cuộc và hội nhập quốc tế…

Tôi đánh giá cao Hội Nông dân Việt Nam, tỉnh Hải Dương tổ chức thành công cuộc đối thoại này. Sau cuộc đối thoại này, đề nghị Hội Nông dân tập hợp ý kiến, tổng hợp các vấn đề để xây dựng thành các chủ trương, thể chế mới. Phó thủ tướng, các bộ trưởng dự họp hôm nay cũng sẽ có cuộc họp tiếp thu và giải quyết các vấn đề đặt ra.

Có thể khẳng định, nông nghiệp Việt Nam sau 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng, từ chỗ thiếu đói chúng ta đã dư thừa lương thực, trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Các loại nông sản,trái cây, thủy sản của Việt Nam đã thâm nhập được vào thị trường khó tính.