So với hình ảnh trên sân khấu của đêm chung kết Duyên dáng Ngoại thương 2011, bên ngoài Phạm Thùy Linh xinh xắn và trẻ trung đúng như lứa tuổi của mình.
Linh sinh năm 1992, là cựu học sinh tiếng Trung của trường THPT chuyên ngữ (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội), hiện là sinh viên năm thứ 2 khoa Kinh tế Đối ngoại của trường ĐH Ngoại thương Hà Nội.
Dưới đây là những chia sẻ của cô gái trẻ vừa trở thành gương mặt đại diện cho vẻ đẹp ngoại hình cũng như tâm hồn và tài năng của sinh viên Ngoại thương.
Năng động trong một môi trường năng động
Là học sinh chuyên ngữ, ngôi trường có tỷ lệ đi du học rất cao, vậy tại thời điểm năm lớp 12, tại sao em quyết định thi vào ĐH Ngoại thương?
- Bởi vì khi đó ngoại ngữ của em là tiếng Trung nên em lựa chọn ĐH Ngoại thương. Em không thích học chuyên về ngoại ngữ, mà tiếng Trung thì không nhiều lựa chọn nên Ngoại thương là đích hướng duy nhất của em. Em cũng dự kiến sau khi tốt nghiệp Ngoại thương thì mới đi du học.
Đến thời điểm này, sau khoảng một năm rưỡi theo học, em có bằng lòng với quyết định của mình?
- Em thấy em đã lựa chọn chính xác. Bởi vì ở đây em không những được học với mô hình giảng dạy hiện đại, hữu ích mà còn có nhiều câu lạc bộ ngoại khóa và nhiều cơ hội để mở rộng mối quan hệ của mình. Ngay từ năm thứ nhất, em đã làm việc ở CLB tiếng Trung, và tại đó em được tham gia tổ chức các chương trình của CLB.
Ngoài ra, vì đây là môi trường rất năng động nên các bạn cũng được dịp phát huy các năng khiếu của mình. Nó giúp em hiểu biết hơn về những lĩnh vực khác nhau mà trước đó em chưa biết.
Em học được những điều gì với các hoạt động ngoại khóa này?
- Một năm chúng em làm khoảng 3-4 sự kiện, trong đó có một sự kiện lớn, mà năm vừa qua chúng em thực hiện là chương trình Tài hoa Trung Việt. Đây là lễ hội văn hóa dành cho toàn bộ sinh viên Việt Nam học tiếng Trung và du học sinh Trung Quốc tại Việt Nam. Hiện tạị, CLB em đang chuẩn bị cho chương trình tọa đàm việc làm diễn ra vào tháng 2 năm sau. Đối tượng là sinh viên năm 2-3 học tiếng Trung hoặc có ngành nghề liên quan đến tiếng Trung.
Từ việc tham gia các hoạt động này, điều lớn nhất mà em học được chính là việc tổ chức một sự kiện. Nó bao gồm nhiều công đoạn, từ lên ý tưởng, lập kế hoạch khung đến kế hoạch chi tiết cho tới việc dự trù kinh phí, xin tài trợ, làm truyền thông….
Trong quá trình làm việc bọn em cũng gặp khúc mắc, không biết phải xử lý tình huống thế nào thì điều may mắn là có những anh chị lớn tuổi hơn ở bên cạnh. Họ đã giúp em nhận ra một điều rằng mình cần phải chủ động, phải biết dám làm và dám nhận ra cái sai để sửa thay vì e ngại rồi không biết phải xoay xở ra sao.
Không khó để tìm học bổng du học
Theo em thì trong thời sinh viên, điểm số có tầm quan trọng như thế nào?
- Bố mẹ thì hướng em sau này ra trường có một công việc tương xứng với khả năng của mình. Nhưng em thì thích bay nhảy nên em dự định tốt nghiệp đại học xong sẽ đi du học. Và vì có mục tiêu du học nên một bảng điểm đẹp là rất quan trọng. Ngay từ năm đầu tiên của đại học, việc quan trọng nhất của em là học tập.
Vậy làm sao để em có thể vừa tham gia các hoạt động ngoại khóa tốt, vừa có những khoảng thời gian vui chơi với bạn bè, gia đình lại vừa có một điểm số đẹp?
- Có một điều thú vị là ở lớp em, vào cuối năm thứ nhất khá nhiều bạn đạt loại giỏi. Em nghĩ điều đó là do môi trường học, khi vào một lớp mà mọi người đều không ngừng nỗ lực để các kỳ thi có điểm số cao thì bản thân mình cũng sẽ thấy hào hứng và vào guồng với các bạn.
Ngoài ra, đại học là tự học. Cho nên trước khi lên lớp thì em đọc bài trước, khi ở trong lớp thì em tự làm bài tập luôn. Hơn nữa, những môn em học như kinh tế vi mô, vĩ mô liên quan đến thực tế khá nhiều nên việc cập nhật tin tức trên mạng và thường xuyên xem thời sự để có sự kết nối cho bài học của mình.
Có những môn học nào mà em thấy không thiết yếu?
- Thực ra thì thời gian ban đầu có thể mình thấy một số môn không cần thiết. Thế nhưng đến giờ thì em nghiệm ra rằng môn nào cũng có ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Có thể nó không tác động trực tiếp như một số môn Triết học Marx - Lenin, Kinh tế Chính trị. Lúc học em nghĩ là chẳng để làm gì cả nhưng sau này nhờ những môn đó mà em hiểu được nhiều điều hơn về cuộc sống.
Với Kinh tế Chính trị chẳng hạn, em hiểu được cấu trúc của một nền kinh tế liên quan thế nào tới chính trị, còn Triết học thì nó giúp ta hiểu những vấn đề cơ bản của các mối quan hệ trong xã hội.
Em đã xác định mình sẽ đi du học ở đất nước nào chưa?
- Em đã tìm hiểu qua, và em dự định đi du học ở Phần Lan. Phần Lan có rất nhiều du học sinh Việt Nam, và đất nước này cũng có nhiều suất học bổng cho sinh viên.
Theo em thì sinh viên tốt nghiệp đại học tại Việt Nam có khó khăn trong việc sở hữu một suất học bổng du học thạc sĩ?
- Cũng như học bổng du học bậc đại học, em thấy là có rất nhiều học bổng du học cho sinh viên, chỉ có điều là mình có chứng minh được khả năng của mình để đạt được một suất học bổng hay không mà thôi. Nhưng so với học bổng đại học thì với học bổng thạc sĩ, một số trường yêu cầu sinh viên cần phải có kinh nghiệm đi làm. Thành tích học tập thì phải tốt, mà để đạt được điểm số cao tại đại học thì khó hơn nhiều so với khi bạn còn là học sinh viên phổ thông.
Ngoài ra, có một điều chắc chắn là sự khẳng định bản thân phải cao hơn nhiều, sinh viên phải biết thể hiện khả năng, thể hiện cá tính của mình rất rõ.
Thú vị khi làm cô giáo
Giới trẻ bây giờ, đặc biệt là sinh viên ở những trường đại học lớn thường chọn công việc làm thêm thời thượng như marketing, truyền thông, báo chí… tại sao em lại quyết định đi làm thêm là gia sư?
- Em nghĩ việc làm thêm để có kinh nghiệm và thêm tiền tại thời điểm nào là sự lựa chọn phải phù hợp. Hiện tại em đang kèm một em nữ học lớp 11, số tiền của em thì đúng là không nhiều khi so với những công việc khác nhưng cũng đủ để em tự chủ về chi tiêu như mua sách vở, đi chơi với bạn bè hay mua sắm. Hơn nữa, công việc gia sư không chiếm nhiều thời gian và chỉ cố định một tuần 2 buổi nên em có nhiều tập trung cho việc học.
Sau này khi em đã học chuyên ngành rồi, em có kiến thức cho những ngành mình học thì sẽ chọn một công việc phù hợp để có kinh nghiệm và có một mức thu nhập phù hợp.
Vậy cô giáo trẻ chắc cũng có những điều thú vị với công việc làm thêm của mình?
- Đó là trước đây em chưa từng nghĩ rằng mình sẽ đi làm cô giáo, nhưng khi trở thành gia sư thì em phát hiện mình cũng có năng khiếu sư phạm. Khi mà mình truyền tải kiến thức, đặc biệt là kinh nghiệm, sự thích học của mình cho em ấy thì em ấy rất thích và điểm số của em ấy ngày càng tiến bộ thì em cũng rất vui.
Và nếu chỉ có việc học thôi thì khá là khô khan. Thường hai chị em ngoài học ra thì còn tâm sự với nhau về bạn bè, sở thích… nên cũng rất tình cảm, do đó học …càng vào hơn.
Cô giáo và học trò chỉ chênh nhau 3 tuổi, nhưng liệu có sự khác biệt nào gọi là … khoảng cách thế hệ?
- Thực ra thì em thấy một chút thôi. Bởi vì mình là sinh viên đại học rồi thì mình chín chắn hơn, nên có những suy nghĩ và quyết định hợp lý. Còn em ấy đang ở tuổi học sinh, lại là con út nên không phải lo lắng gì nhiều, sống rất vô tư. Nhưng em nghĩ nhìn chung thì hai chị em có quan điểm sống khá giống nhau.