Phượng Hoàng Cổ Trấn nằm phía tây tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), là một thị trấn cổ xinh đẹp. Mình thường thích đi du lịch tự túc nên phải tìm hiểu khá kỹ về vé máy bay và visa nhưng lần này, may mắn có dịp tham gia với đoàn cùng chỗ làm nên không phải lo lắng nhiều. Vậy nên, mình sẽ chia sẻ với các bạn những mẹo nhỏ trong chuyến đi, hy vọng giúp ích được cho những ai có nhu cầu.
Thời gian du lịch
Mùa cao điểm ở Phượng Hoàng Cổ Trấn khoảng tháng 5 đến tháng 11. Theo kinh nghiệm của mình, ở bất kỳ điểm du lịch nào của Trung Quốc, nếu có thể hãy đi vào giữa tuần cho vắng.
Nếu không, bạn hãy chọn thời điểm đi sau những ngày lễ lớn. Mình đi sau Quốc tế Lao động 1/5 nên có những chỗ nghe nói phải xếp hàng đến 2-3 tiếng, còn chúng mình chỉ tốn 10-15 phút là đã vào đến nơi.
Khung cảnh ở Phượng Hoàng Cổ Trấn rất “đáng” để bạn đến một lần trong đời.
Đổi tiền
Ở Phượng Hoàng Cổ Trấn, nếu bạn chỉ đi chơi, chụp ảnh và ăn vài món địa phương thì chỉ cần đổi khoảng 1 triệu đồng là thấy "như đại gia" rồi. Đa số các món ăn ở đây mình nếm đều rơi vào khoảng 5 nhân dân tệ (1 nhân dân tệ chưa đến 3.600 đồng). Các món quà lưu niệm đều không đặc sắc cho lắm nên mình cũng không móc hầu bao nhiều.
Vé máy bay và visa
Về visa, bạn sẽ mất 3 ngày nếu làm dịch vụ và 1 tuần trong trường hợp tự làm. Xin visa Trung Quốc không quá khó nên bạn đừng lo. Còn như mình làm chung visa với đoàn nên chỉ cần một người đứng ra đại diện là xong.
Về vé máy bay, mình bay hãng China Southern từ Sài Gòn sang Quảng Châu, nối chuyến tới Trương Gia Giới rồi đi xe khách khoảng 4 giờ là tới Phượng Hoàng Cổ Trấn.
Vẻ đẹp cổ kính ở Phượng Hoàng Cổ Trấn.
Khách sạn
Điểm đặc biệt cần lưu ý là khách sạn ở Trung Quốc đều không chuẩn bị các dụng cụ cá nhân cơ bản như bàn chải, kem đánh răng, dao cạo râu… Nếu muốn sử dụng, bạn sẽ phải chi trả thêm chi phí ngoài tiền thuê phòng. Còn lại, chỗ ở khá sạch sẽ và không có gì đáng chê trách.
Ngôn ngữ
Không may là ở Trung Quốc, đặc biệt là ở những vùng thôn quê như Phượng Hoàng Cổ Trấn, hầu hết mọi người đều không ai hiểu và nói được tiếng Anh, kể cả tiếp viên hàng không. Tốt nhất trước khi đi, bạn nên soạn sẵn hình ảnh cần sử dụng (bao gồm cả đồ ăn và địa điểm du lịch) rồi chỉ cho người dân địa phương là họ sẽ chỉ mình nhiệt tình. Các bạn cũng nên ghi lại những địa điểm cần thiết như tên khách sạn, tên đường trong trường hợp cần thiết.
Về chuyện tính tiền, trước khi mua gì, bạn nên chỉ chính xác món bạn muốn mua rồi chìa phần mềm máy tính trên điện thoại ra cho họ bấm. Đồng ý thì giơ tay ra hiệu mình muốn bao nhiêu cái.
Bạn nên lưu lại ảnh những địa điểm cần thiết để hỏi người dân địa phương.
Sim và Internet
Mình ở Trung Quốc 5 ngày 4 đêm mà không hề bỏ tiền ra mua sim vì lịch trình đi rất dày, đi ngắm cảnh và chụp ảnh thôi là hết ngày, không có thời gian để "lượn lờ" trên mạng như ở nhà. Bạn bè mình đi trước cũng dặn là không nên mua sim vì sim Trung Quốc bật vào mạng được trong “một hơi thở là đứng hình”. Bạn nên chịu khó dùng wifi ở khách sạn cập nhật tin tức (mạng gần như chỉ đủ để bạn đọc tin và nhắn tin).
Ngoài ra, bạn nên cài sẵn ứng dụng VPN (Virture Private Network) vì Trung Quốc chặn hoàn toàn Facebook và Viber. Ứng dụng này sẽ giúp bạn “vượt tường lửa một cách ảo diệu” để check-in sống ảo trong thời gian còn ở Trung Quốc.
Chụp ảnh
Đây là vấn đề quan trọng mà chắc các bạn cũng quan tâm nhất. Để nổi bật giữa chốn này, bạn nên chọn trang phục các tông màu nóng như đỏ, vàng, cam hoặc màu đậm chất vintage như nâu, xanh coban…
Khu vực cầu gỗ và cầu đá là “khu chụp hình công cộng” nên sẽ rất đông khi trời bắt đầu sáng.
Bạn nên dậy thật sớm, sớm nhất có thể. Khi đó, cả thị trấn này là của bạn. Mình dậy từ 4h30, chuẩn bị xong đến 5h. Lúc dậy trời tối "như đêm 30" và chúng mình chỉ đi theo ánh đèn flash từ điện thoại. Nếu đến Phượng Hoàng Cổ Trấn tối hôm trước thì bạn nên dành thời gian đi hết dọc sông để ngắm chỗ chụp sẵn. Sáng dậy đi ra đúng chỗ "diễn" thôi.
Cầu cong là điểm xa nhất nên ít người lui tới. Bạn có thể đến đây trễ hơn cũng không lo ảnh "dính" nhiều người.
Chụp hình xong, các bạn có thể dùng VSCO để lên màu, đây cũng là bước tối quan trọng để có những bức hình siêu ảo (mình dùng dải màu C - tông vintage để chỉnh hình theo hướng cổ và đượm buồn).
Ăn uống
Mình nghe mọi người nói khi đi nên mang theo ruốc để ăn với cháo trắng vì đồ bên này rất khó ăn nhưng gần như mình chẳng phải đụng đến hộp ruốc này. Đồ ăn ở đây chỉ lạ với khẩu vị người Việt thôi chứ không quá tệ như người ta đồn.
Có hai vị lấn át rõ ràng ở đồ Trung là nhạt và ngấy dầu mỡ. Nếu không quen, các bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy ớn vì họ toàn ăn thịt, mà thịt phải gọi là "mỡ kẹp". Gà bên này chặt như xương vụn. Các món đặc sản bạn nên thử là đậu phụ thối, bánh tép chiên, lẩu cá cay, đồ nướng và kẹo gừng… Đồ ăn mua về làm quà có chân gà sốt cay đóng gói, táo tàu sấy khô và trái cây các loại.
Trên đây là những dòng chia sẻ để các bạn có một trải nghiệm đáng nhớ ở Phượng Hoàng Cổ Trấn. Mình luôn ao ước có một bộ ảnh để đời ở đây và giờ mình rất mãn nguyện rồi.