Dân Việt

Công trình trái phép tại Tràng An có thực sự đã được tháo dỡ?

Đ.B 13/07/2018 13:15 GMT+7
Báo cáo mới nhất của UBND huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình về công tác tháo dỡ công trình trái phép tại khu di sản Tràng An đã được hoàn thành. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Lao Động, tình trạng tháo dỡ không đúng với tinh thần trong bản báo cáo của lãnh đạo huyện Hoa Lư.

img

Nhiều hạng mục của công trình trái phép vẫn còn ngổn ngang. Ảnh: PV

Sau hơn 3 tháng tiến hành với 3 lần cam kết và gia hạn, công trình trái phép tại núi Cái Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình thuộc quần thể danh thắng Tràng An được cho là đã hoàn thành công tác tháo dỡ.

Trong báo cáo ký ngày 27.6.2018 gửi các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan và báo chí, ông Vũ Văn Huân, chủ tịch huyện Hoa Lư khẳng định, việc tháo dỡ đã được thực hiện 100%. Quá trình tháo dỡ không ảnh hưởng nhiều đến di sản.

img

Nhiều cột trụ bê tông vẫn trong tình trạng nguyên xi, cắm sâu vào lòng núi Cái Hạ thuộc vùng di sản Tràng An. Ảnh: PV

Tuy nhiên, khảo sát của PV Lao Động vào ngày 12.7 cho thấy, có nhiều vấn đề không đúng như báo cáo của lãnh đạo huyện Hoa Lư.

Theo đó, công trình trái phép vẫn còn ngổn ngang. Nhiều hạng mục như hàng rào tay vịn, cột trụ, bậc tam cấp vẫn còn trong tình trạng giữ nguyên, chưa được tháo dỡ.

Một số tảng đá lớn đã bị rơi ra khỏi núi trong quá trình tháo dỡ công trình sai phạm. Cây xanh cũng chưa xuất hiện trên núi Cái Hạ ở những nơi tháo dỡ công trình trái phép như báo cáo của UBND huyện Hoa Lư.

Nếu so sánh với hình ảnh núi Cái Hạ trước đây, việc xây dựng và tháo dỡ công trình trái phép đã để lại những tổn thương nặng nề cho khu rừng đặc dụng này.

Trao đổi với Lao Động, nhiều người dân sinh sống gần khu vực cho hay, họ cảm thấy xót xa cho những tổn thất mà núi Cái Hạ phải gánh chịu sau công tác tháo dỡ công trình sai phạm. “Không thể nói rằng việc tháo dỡ các khối bêtông không làm ảnh hưởng đến khu di sản được”, một người dân khẳng định.

Trước đó, vào tháng 8.2017, Công ty CP du lịch Tràng An đã đưa người, máy móc vào khoan đục từ chân núi Cái Hạ lên tới đỉnh núi, xây dựng gần 2.000 bậc thang bêtông cốt thép và đặt tên là đường lên đàn Kính Thiên.

img

Một tảng đá lớn được cho là bị rơi trong quá trình tháo dỡ. Ảnh: PV

Trước sự việc này, xã Trường Yên đã báo cáo huyện Hoa Lư đồng thời có 5 văn bản gửi đến Công ty CP du lịch Tràng An nêu rõ đây là công trình trái phép, yêu cầu dừng thi công, trả lại mặt bằng cho di tích. Nhưng công ty này phớt lờ, tiếp tục thi công, đến tháng 1.2018 thì hoàn thành.

Việc để công trình sai phép ngang nhiên xây dựng trong vùng di sản Tràng An thể hiện sự buông lỏng quản lý của UBND huyện Hoa Lư. 

Sau khi báo chí phản ánh, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch đến kiểm tra và kết luận công trình không được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng; vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa.

Ngày 26.3, ông Nguyễn Văn Son, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Tràng An (Ninh Bình) gửi đơn xin tự phá dỡ công trình sai phép; thời gian thi công kéo dài một tháng tính từ 30.3. Tuy nhiên, hết thời hạn này, công trình mới tháo dỡ chưa được 20%. Công ty Tràng An sau đó có đơn xin gia hạn tháo dỡ đến hết ngày 31.5 rồi tiếp tục xin gia hạn đến 24.6.

Dù vậy, đến ngày 12.7, nhiều hạng mục tại công trình sai phép này vẫn còn ngổn ngang, không đúng như tinh thần báo cáo của lãnh đạo huyện Hoa Lư.

PV Lao Động sẽ tiếp tục phản ánh sự việc đến bạn đọc.