Liên quan đến vụ lăng mộ vợ vua Tự Đức bị san ủi, trưa nay (13.7), ông Tôn Thất Giáp- đại diện Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc cho biết, vào sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Phan Ngọc Thọ đã mời ông đến gặp để trao đổi. Có mặt tại buổi trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh, ngoài ông Giáp còn có đại diện của các cơ quan như Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Huế.
Theo ông Giáp, tại buổi trao đổi, ông Phan Ngọc Thọ đã chủ động nhận lỗi trước những sai sót trong vụ lăng mộ vợ vua Tự Đức bị san ủi. Ông Phan Ngọc Thọ đề nghị nên hòa giải giữa các bên và có kế hoạch để di dời lăng mộ đến địa điểm mới.
Hiện trường khi lăng mộ vợ vua Tự Đức bị san ủi. Ảnh: Trần Hòe.
Ông Giáp cho hay, trước lời đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh, ông trả lời rằng hiện bản thân ông cũng như Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc không quyết định được việc di dời lăng mộ vợ vua.
“Tôi thấy rằng các cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp khi tìm thấy mộ vợ vua Tự Đức đã cố tình lấp liếm không cắm thẻ di dời và không hề thông báo cho Nguyễn Phước tộc. Tôi có nói với Chủ tịch UBND tỉnh là bây giờ việc không thuộc quyền quyết định của Hội đồng mà tùy vào toàn thể con cháu Nguyễn Phước tộc trong nước và ở hải ngoại”- ông Giáp cho biết.
Vào tháng 2.2018, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Huế và các cơ quan liên quan cũng đã có buổi làm việc với đại diện Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc về việc di dời lăng mộ vợ vua Tự Đức để thực hiện dự án bãi đỗ xe. Tại buổi làm việc này, đại diện Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đã không đồng ý việc di dời lăng mộ vợ vua.
Trước đó, vào ngày 20.6.2017, người dân ở tổ 11, khu vực 3, phường Thủy Xuân (TP.Huế) và Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đã phản ánh đến báo Dân Việt vụ việc đơn vị thực hiện dự án Bãi đỗ xe tham quan lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh đã san ủi lăng mộ của một bà vợ vua Tự Đức.
Theo mô tả của người dân, trước khi bị san ủi, lăng mộ này tọa lạc trên diện tích đất khoảng 40m2, có cổng hình vòm, phần tường xây khá cao. Tại lăng có một tấm bia khắc chữ Hán bằng đá xanh nguyên khối.
Sau khi Dân Việt phản ánh thông tin, các lực lượng liên quan đã vào cuộc tìm kiếm và tìm thấy tấm bia của lăng cách vị trí huyệt mộ khoảng 100m. Bia này có khắc dòng chữ Hán “Tiền triều tài nhân cửu giai Lê Thị Thụy Thục Thuận chi mộ”. Theo đó, lăng mộ này là của bà tài nhân họ Lê, đứng hàng thứ 9 trong Cửu giai phi, là vợ vua Tự Đức.
Lăng mộ vợ Vua Tự Đức được khắc phục tạm sau khi huyệt mộ được tìm thấy. Ảnh: P.T
Sau sự việc này, đơn vị chủ đầu tư dự án bãi đỗ xe là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Chuỗi Giá Trị đã lên tiếng nhận lỗi và xin khắc phục sai phạm bằng cách xây dựng lại lăng mộ vợ vua Tự Đức đã bị san ủi.
Khi huyệt mộ được tìm thấy, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc mong được khôi phục lại lăng mộ ngay tại vị trí cũ nhưng chính quyền TP.Huế và tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ trương di dời để lấy đất cho dự án bãi đỗ xe.
Tình trạng này khiến con cháu Nguyễn Phước tộc gửi đơn yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý hành vi xâm phạm mồ mả của các cá nhân, đơn vị liên quan. Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc cũng gửi đơn cầu cứu Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ VHTTDL trước việc tỉnh chủ trương di dời lăng mộ bà tài nhân.
Theo Bộ VHTTDL, trong trường hợp cần thiết, Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Thừa Thiên- Huế có thể hướng dẫn chủ đầu tư nghiên cứu lập phương án điều chỉnh dự án bãi đỗ xe trên cơ sở đảm bảo hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị của di tích và sự đồng thuận giữa các bên, báo cáo UBND tỉnh và Bộ VHTTDL xem xét điều chỉnh.
Đến nay, đã hơn 1 năm kể từ khi xảy ra vụ việc, dự án bãi đỗ xe đang trong cảnh “án binh bất động” và lăng mộ vợ vua Tự Đức vẫn trong cảnh mộ tạm kéo dài.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa- nguyên Giám đốc Sở Văn hóa- Thông tin (nay là Sở Văn hóa- Thể thao) tỉnh Thừa Thiên- Huế, việc lăng mộ vợ vua Tự Đức bị san ủi không được xử lý đúng pháp luật và tỉnh Thừa Thiên- Huế chủ trương dời lăng mộ đi nơi khác là điều rất đáng buồn.