Dân Việt

Những vụ trao nhầm con sau sinh trên thế giới

Anh Ngọc 13/07/2018 18:30 GMT+7
Callie mới 3 tuổi khi được phát hiện không phải là con ruột nhưng cô không có cơ hội đoàn tụ với bố mẹ đẻ vì họ đã qua đời.

Callie, ở Mỹ, chỉ là một trong số nhiều trường hợp trên thế giới bị trao nhầm cha mẹ sau khi chào đời tại bệnh viện. Hiện chưa có số liệu thống kê về tỷ lệ trẻ sơ sinh bị trao nhầm. 

Nhiều gia đình phát hiện ra sự nhầm lẫn kịp thời nhưng cũng có những người mất hàng chục năm mới biết được thân thế thật sự của mình và phải chịu đựng nhiều tổn thương tinh thần.

Vụ nhầm con làm thay đổi hệ thống y tế Mỹ

Ngày 29.6.1995, bà Paula Johnson sinh hạ bé gái mang tên Callie ở trung tâm y tế đại học Virginia. Hôm sau, cũng tại đây, Kevin Chittum, 18 tuổi, và bạn gái Whitney, 16 tuổi, chào đón con gái của họ Rebecca. 

Khi Callie lên 3 tuổi, ông Carlton Conley, người cô gọi là cha, vì nhận thấy sự khác biệt của con gái nên đã đề nghị vợ tiến hành xét nghiệm ADN. Kết quả nhận được khiến họ bàng hoàng khi cả hai đều không phải là cha mẹ ruột của Callie. Cô bé hóa ra là con gái của Kevin và Whitney.

img

Calie và mẹ nuôi Paula Johnson năm 2013. Ảnh: New York Daily News.

Không may, đôi vợ chồng trẻ này cùng 4 người thân gặp tai nạn xe hơi. Vài giờ trước khi bác sĩ dự định báo tin sốc cho Kevin và Whitney, hai người qua đời và đã không kịp biết rằng Rebecca, đứa trẻ họ nuôi nấng 3 năm qua, không phải là con ruột. 

Sau khi biết tin Kevin và Whitney không còn, bà Paula cố gắng giành quyền nuôi Rebecca. Tuy nhiên, bố mẹ của Kevin đã đấu tranh để giữ lại cháu gái. Sau ba năm tranh chấp gay gắt, một tòa án đã ra phán quyết để Callie và Rebecca tiếp tục sống với hai gia đình đã nuôi dưỡng họ cho đến khi đủ lớn để đưa ra lựa chọn riêng.

Bà Paula cũng kiện trung tâm y tế đại học Virginia và đòi bồi thường 31 triệu USD nhưng chỉ nhận được 1,25 triệu USD.

Sau khi vụ việc gây rúng động dư luận, các bệnh viện sản trên khắp nước Mỹ đã xem đây là một lời cảnh tỉnh và rà soát lại quy trình cũng như hiện đại hóa các biện pháp ngăn chặn tình trạng trao nhầm trẻ sơ sinh.

Hai cặp song sinh bị nhầm cha mẹ

img

Từ trái sang: Jorge, William, Carlos và Wilber. Ảnh: New York Times.

William và Jorge chào đời ngày 21.12.1988 ở bệnh viện Materno Infantil, Bogota, Colombia. Wilber và Carlos chào đời sau đó một ngày ở tỉnh phía bắc Santander.

Cả 4 cậu bé đều sinh non khi mới 7 tháng. Một ngày nọ, Carlos bị ốm, cậu và anh song sinh được đưa tới bệnh viện Materno Infantil để điều trị. Hai bé trai được bố trí nằm cùng phòng bệnh với anh em William và Jorge. Điều này đã dẫn tới nhầm lẫn thay đổi cuộc đời họ sau đó.

Khi 4 đứa trẻ xuất viện cùng ngày, William được cha mẹ của Wilber đưa về ngôi nhà ở vùng nông thôn Santander, trong khi Carlos về sống với gia đình của Jorge.

Khi anh em William và Wilber lớn lên, họ đến Bogota làm việc tại một lò mổ. Một người đồng nghiệp của Jorge cũng là bạn của William đã nảy sinh nghi ngờ khi phát hiện ra hai người giống hệt nhau. 

Sự thật được phơi bày sau đó đã dẫn tới cuộc đoàn tụ gây kinh ngạc vào năm 2015 của 4 chàng trai.

Y tá say xỉn trao nhầm trẻ sơ sinh

Suốt nhiều năm, bà Sophie Serrano, ở Pháp, luôn tự hỏi liệu Manon có thực sự là con gái của mình không vì cô có mái tóc xoăn và màu da sẫm khác với bố mẹ.

Năm 2004, khi Manon 10 tuổi, chồng bà Serrano quyết định đi tìm ra câu trả lời và kết quả xét nghiệm khiến họ bị sốc khi con gái không có mối liên hệ nào với mình. Một cuộc điều tra diễn ra và con ruột của bà Serrano được tìm thấy ở cách đó chỉ hơn 30 km. 

img

Bà Sophie Serrano (phải) và con gái Manon quyết định vẫn sống bên nhau dù không phải là ruột thịt. Ảnh: AP

Một y tá say xỉn được cho là người đã tạo ra sự nhầm lẫn trên vào năm 1994. Hai đứa trẻ đều bị vàng da sau sinh. Bệnh viện chỉ có hai lồng ấp, trong đó một chiếc đang được sử dụng, nên hai bé gái này phải nằm chung ở lồng còn lại.

Khi nhận những đứa trẻ, hai người mẹ phát hiện tóc của con gái họ có độ dài khác trước nhưng được các bác sĩ cho hay việc điều trị trong lồng ấp có thể làm ngắn hoặc dài tóc ra.

Năm 2015, họ đã đệ đơn kiện bệnh viện và được bồi thường 2 triệu USD theo phán quyết của tòa án. Tuy nhiên, sau khi các gia đình gặp nhau, hai người mẹ đều nhận thấy rằng họ không muốn nhận lại con ruột và quyết định cắt đứt mọi liên hệ để trở lại cuộc sống bình thường như trước đó. Tình cảm giữa bà Serrano và Manon thậm chí còn khăng khít hơn sau khi biết sự thật. 

Hai người mẹ phát hiện nhầm con nhờ cuộc gặp tình cờ

Năm 2013, hai phụ nữ Argentina làm quen với nhau khi đưa con gái đi khám ở một bệnh viện nhi. Họ chia sẻ về con cái và phát hiện ra một sự trùng hợp thú vị đó là con của người này có cân nặng khi sinh giống với con của người kia.

"Khi con tôi sinh ra bằng phương pháp mổ, họ nói với tôi đó là một bé gái rất xinh nặng 3,1 kg nhưng khi trao đứa bé cho tôi, họ lại bảo con bé nặng 3,8 kg và đẻ ngôi ngược", Lorena Gerbeno kể. 

Trong khi đó, Veronica Tejada cho biết cô cũng sinh con theo ngôi ngược và nặng 3,8 kg.

img

Lorena Gerbeno (trái) và Veronica Tejada khi phát hiện ra bị trao nhầm con. Ảnh: Oddee

Lorena, một luật sư, đã yêu cầu xét nghiệm ADN để xác định huyết thống với bé gái. Kết quả xác nhận những nghi ngờ của họ rằng hai đứa trẻ đã bị tráo cho nhau tại bệnh viện trước đó ba tuần.

"Tôi đã trải qua ba tuần với một đứa trẻ không phải con gái mình nhưng tôi đã dành cho con bé tất cả tình yêu của tôi và biết rằng người mẹ kia cũng làm như thế", Lorena nói sau khi đoàn tụ với con ruột.

Người đàn ông bị trao nhầm vào gia đình nghèo khó

Năm 2013, một người đàn ông Nhật Bản 60 tuổi được bồi thường hơn 370.000 USD sau khi bị một bệnh viện ở Tokyo nhầm lẫn với một trẻ sơ sinh khác và phải sống hàng chục năm trong cảnh túng quẫn.

Một y tá đã gây ra lỗi lầm khi tắm cho những đứa trẻ và trả nhầm chúng cho bố mẹ. Người đàn ông lớn lên trong một gia đình thiếu thốn, sống bằng tiền trợ cấp trước khi làm tài xế xe tải. Một mình mẹ nuôi ông cùng hai anh chị em sau khi cha qua đời năm ông mới 2 tuổi.

Trong khi đó, đứa trẻ bị trao nhầm lại lớn lên trong gia đình khá giả, được chu cấp đầy đủ, học đại học và điều hành một công ty bất động sản riêng. 

Đến năm 2009, sự thật mới được phát hiện khi gia đình giàu có này nhận ra người con không giống các anh chị em còn lại và yêu cầu xét nghiệm ADN. Họ đã kiểm tra hồ sơ bệnh viện và cuối cùng tìm ra con đẻ của mình vào năm 2011.

"Tôi cảm thấy rất hối tiếc và tức giận", người đàn ông nói. "Tôi muốn họ quay ngược thời gian". 

Hai gia đình nhận nhầm con cùng chung sống 

img

Dimas Aliprandi (thứ hai từ trái sang) đứng giữa bố mẹ nuôi và Elton Plaster (thứ hai từ phải sang) đứng giữa bố mẹ nuôi khi họ gặp nhau năm 2009. Ảnh: AP

Dimas Aliprandi, ở Brazil, luôn tự hỏi tại sao anh trông không giống các chị gái. Năm 2008, khi 24 tuổi, anh cuối cùng cũng đủ tiền để làm xét nghiệm ADN và chứng minh mình không phải con ruột của bố mẹ. 

Cuộc điều tra sau đó cho thấy Aliprandi đã bị nhầm với một người khác là Elton Plaster, sinh cùng ngày tại bệnh viện.

Aliprandi đã tìm đến trang trại 14 hecta nơi Plaster đang sống với bố mẹ ruột của anh, ông bà Nilza và Adelson, cách nhà khoảng 45 km. Nhà Plaster đã đồng ý xét nghiệm ADN và xác thực sự việc.

Câu chuyện kết thúc có hậu khi gia đình Plaster mời gia đình Aliprandi đến trang trại sống cùng và xây một ngôi nhà khác cho họ. Cả hai anh chàng hiện sống hạnh phúc với cả bố mẹ ruột và bố mẹ nuôi.