Dân Việt

Xúc động với thư nhà của lính đảo

13/12/2011 14:57 GMT+7
(Dân Việt) - Cuộc sống lính đảo nơi đầu sóng ngọn gió, dẫu còn bao nhiêu khó khăn vất vả nhưng họ vẫn có nghị lực phi thường. Những lá thư từ đất liền luôn được các anh nâng niu, chia sẻ vì nó là nguồn tình cảm thiêng liêng động viên họ cầm chắc tay súng bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc.

Nguồn cổ vũ động viên

Trong chuyến hải trình từ thành phố biển Vũng Tàu ra Cụm Khoa học- kỹ thuật và dịch vụ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nằm cách đất liền hàng trăm hải lý, ngoài những điều mắt thấy tai nghe về chuyện huấn luyện chiến đấu, chuyện rau xanh, nước ngọt… của cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 (gọi tắt là nhà lô), chúng tôi còn được những người lính kể về chuyện gia đình, vợ con, bố mẹ hay người yêu nơi quê nhà, đặc biệt là những trang thư của họ.

img
Lính nhà giàn hòa giọng hát cho quên nỗi nhớ nhà.

Thiếu tá Trang Hải Âu - người con của quê hương xứ Nghệ, có nước da bánh mật, mặn mòi hương vị của biển. 17 năm gắn bó với biển trời của Tổ quốc, anh đã từng công tác ở nhiều điểm đảo, nhiều nhà giàn khác nhau.

Trò chuyện với tôi, anh bộc bạch: “Cách đây 17 năm, có lần tôi nhận được thư của vợ, trong thư vợ tôi viết: “Em không được khỏe, một mình nuôi hai con thì làm sao mà khỏe được”. Đọc xong tôi cũng hoảng, thế nhưng chỉ ít ngày sau vợ tôi điện ra bảo, anh cứ yên tâm công tác, em chỉ đùa anh tý thôi chứ đã chấp nhận yêu và lấy anh, em rất hiểu và cảm thông với chồng mình nơi đầu sóng ngọn gió...

Vợ lính là thế, dám chấp nhận những khó khăn vất vả lo toan gánh vác việc nước, việc nhà để chồng yên tâm công tác. Không chỉ riêng tôi, mà đa số lính đảo xa luôn giành được nhiều tình cảm, tình thương của đất liền gửi ra. Mỗi con chữ, trang thư là nguồn tình cảm dồi dào, kịp thời động viên, chia sẻ, cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho người lính đảo xa, cầm chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo thân yêu của Tổ quốc”.

Cũng như thiếu tá Âu, chuyện tình lính đảo của thiếu tá Bùi Đình Thát có những nét tương tự. Gần 20 năm về trước, họ tình cờ quen nhau qua một lần đi dự sinh nhật của người bạn, rồi “bén duyên” nhau, thành vợ thành chồng. Con trai đầu lòng vừa ra đời thì anh Tú khoác ba lô ra Nhà giàn Phúc Tần công tác. Ở hai đầu nỗi nhớ, có những lúc anh nhớ chị da diết, tình cảm gói trọn trong những trang thư gửi về thăm vợ con.

Trò chuyện với tôi, anh Thát bảo, ngày mới ra nhà giàn công tác cực lắm, lúc đó hệ thống thông tin liên lạc chưa hiện đại như bây giờ, làm gì đã có máy điện thoại di động, phủ sóng tới nơi đảo xa. Nhiều đêm đứng gác dưới sương sa, gió lạnh, anh nhớ vợ, thương con đến nao lòng.

Hết phiên gác, bên bóng điện nhỏ leo lét, anh lại biên thư về thăm vợ con cho khuây khỏa nỗi nhớ gia đình. Với lính đảo xa nhà, mỗi tin tức, thư nhà từ đất liền là món quà vô giá.

Ở đảo, lính thành thi sĩ

Chia tay với những người lính Nhà giàn Huyền Trân, chúng tôi hiểu cuộc sống của người giữ biển dẫu còn nhiều khó khăn gian khổ, nhưng rất vinh dự, tự hào. Lính đảo xa hàng ngày vẫn mong được bù đắp cả vật chất, lẫn tinh thần. Những trang thư từ đất liền gửi ra là món quà vô giá, lính đảo xa luôn trân trọng, giữ gìn.

Đại úy Hồ Thế Công- nhân viên cơ yếu Nhà giàn Huyền Trân cho hay, với những người đã có gia đình là thế, nhưng đối với những chàng lính biển chưa lập gia đình, đứng trước cảnh đẹp mê hồn của biển khơi, dường như trong tâm thức họ, ai cũng có phần thi sĩ.

Họ mải miết viết thư tình cho người yêu ở đất liền, họ cũng làm thơ, trong thơ của lính đảo có san hô, có gió cát, có trăng biển… nhưng luôn gửi gắm trong đó tình yêu với gia đình, và trên hết là tình yêu Tổ quốc nồng nàn.

Hình ảnh vầng trăng nơi đảo xa mang nỗi niềm của lính, khao khát biển bình yên, đất nước không tiếng súng... được lính đảo xa thể hiện bằng những vần thơ mộc mạc, chan chứa tình cảm.

Thiếu úy Nguyễn Văn Lợi quê đất thép Vĩnh Linh (Quảng Trị) kể: “Em đã có hơn 1 năm công tác trên vùng biển phía Nam, em chưa lập gia đình, với em mẹ là tất cả”. Sau phiên gác, Lợi lại biên thư về thăm mẹ, trong thư có đoạn:

“Mẹ ơi, giờ thì con đã khôn lớn và trưởng thành nhờ sự yêu thương đùm bọc của mẹ và Đảng, Nhà nước. Hơn một năm rèn luyện trong quân ngũ ở biển phía Nam, không ở bên mẹ để chăm sóc khi tuổi mẹ đã xế chiều, nhưng con sẽ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, con tặng mẹ tấm bằng khen và danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Con sẽ cố gắng phấn đấu hết sức mình, vượt qua mọi phong ba bão táp, bảo vệ bình yên của biển”.