Những người không ưa Croatia ở bán đảo Balkan nói rằng, quốc ca của Croatia mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc. Đấy là bài hát mà các cầu thủ hát trước mỗi trận ở World Cup này, là bài hát mà các cổ động viên đã hát vang trên khán đài.
Bài quốc ca có đoạn "Za dom, braco, za slobodu, borimo se mi" (Vì Tổ quốc, hỡi anh em, vì tự do, ta chiến đấu) và "Za dom, spremni" (Vì Tổ quốc, sẵn sàng).
Trong những ngày World Cup này, nó đã vang lên trên khắp các quảng trường và trong các gia đình Croatia, là lời hiệu triệu các cầu thủ của họ, cũng có lòng tự hào dân tộc vô cùng lớn, tiến lên vươn tới chiến thắng. Người Serbia, người Hồi giáo Bosnia không thích nó, vì các lý do rất chính trị, đương nhiên rồi.
Đối với Croatia, Pháp là một đối thủ họ không ưa, không hẳn chỉ vì viếc đã thua đội tuyển Pháp ở bán kết World Cup 1998. Ở Zagreb, thủ đô Croatia, người ta không chỉ không thích Thuram, người đã ghi hai bàn thắng vào lưới Croatia ở trận bán kết ấy, mà còn không ưa cố Tổng thống Pháp Francois Mitterrand.
Đức là nước đầu tiên công nhận Croatia độc lập trong những năm 1990, sau khi Nam Tư tan rã, sẵn sàng giúp đỡ Croatia để đưa đồng minh cũ này vào quỹ đạo của họ, nhưng Pháp thì chống lại việc này bằng mọi cách, lo ngại rằng điều này sẽ làm bùng lên những mâu thuẫn ở Balkan. Tại Italia 90, World Cup cuối cùng của Liên bang Nam Tư, họ đã chơi một thứ bóng đá xuất sắc, nhưng cuối cùng đã bị Argentina của Maradona loại ở tứ kết trên chấm 11 mét.
Ivica Osim, HLV Nam Tư lúc đó, đã nói rằng, nếu Nam Tư vô địch thế giới, có lẽ nội chiến Nam Tư đã không nổ ra. Một năm sau, Nam Tư không còn nữa, tan thành nhiều mảnh khác nhau. Chiến tranh tàn khốc ở đó kéo dài từ 1991 đến 1995, trước khi các xung đột liên quan đến tỉnh Kosovo bắt đầu vào năm 1999.
Chỉ có 2 cầu thủ trong đội hình được triệu tập của Croatia sinh ra sau nội chiến. Tất cả những cầu thủ còn lại đều hiểu được chiến tranh là gì, từ khi họ còn rất ít tuổi. Modric, 33 tuổi, là một ví dụ điển hình.
Anh đã chứng kiến ông anh bị bắn chết ngay trước mắt mình. Ông cụ cũng có tên là Luka như anh. Gia đình anh trở thành những người tị nạn trên chính mảnh đất của mình.
Một ví dụ khác, trung vệ Dejan Lovren. Hậu vệ đang chơi cho Liverpool này đã đưa lên mạng một phim tài liệu có tựa đề "Đời tôi, người tị nạn". Gia đình của Lovren sống ở một ngôi làng trên đất Bosnia. Làng có tên Kraljeva Sutjeska. Khi chiến tranh nổ ra, tất cả cùng chạy loạn. Họ đến Đức tị nạn và ở đó, Lovren, lúc đó 3 tuổi rưỡi, sống với ông bà.
Cuộc đời của một người tị nạn không rõ sẽ trôi đi như thế nào, nếu như Lovren đá bóng, sau khi phía Đức không đồng ý gia hạn giấy tờ nhập cư cho gia đình cậu. Họ lại trở về và Lovren vào trường bóng đá ở Karlovac, Croatia, nơi cũng dậy Lovren rất nhiều điều về cuộc đời và khả năng sinh tồn. Ở đó, Lovren bị bạn bè trêu trọc và cô lập, chỉ vì cậu bé 10 tuổi khi ấy không nói được tiếng Croat.
Có rất nhiều điều để nói về Croatia, về tinh thần dân tộc của họ, về những gì đã xảy ra trong quá khứ của họ và những dân tộc đã cùng chung sống với họ trên bán đảo Balkan.
Một quá khứ xung đột kéo dài nhiều thế kỷ đã tạo nên những con người như thế, không chỉ ở Croatia, và sân cỏ chỉ đơn giản là một cách để họ thể hiện niềm tự hào của dân tộc mình.