Ảnh: FIFA
World Cup 2018 là giải đấu lần thứ 21, nhưng Pháp vs Croatia chỉ là trận chung kết thứ 20
Lý do là bởi ở World Cup 1950, FIFA đã cho 4 đội bóng mạnh nhất thi đấu vòng tròn, thay vì tổ chức theo thể thức bán kết và chung kết. Tất cả bắt nguồn từ năm 1947 khi chủ nhà Brazil thuyết phục thành công FIFA rằng cho các đội thi đấu theo thể thức như vậy sẽ giúp tăng sự hấp dẫn cho World Cup.
Bởi thế, chiến thắng 2-1 trước Brazil mang về chức vô địch World Cup 1950 cho Uruguay thực chất là trận đấu ở lượt trận thứ ba, trong bảng đấu của 4 đội mạnh nhất giải bao gồm Brazil, Uruguay, Tây Ban Nha và Thụy Điển.
Trước lượt đấu cuối, Thụy Điển và Tây Ban Nha đã hết cơ hội cạnh tranh chức vô địch, trong khi Brazil chỉ cần hòa là lên ngôi. Nhưng đáng tiếc, họ đã để thua ngược Uruguay.
Khoảnh khắc Ghiggia hạ gục thủ môn Barbosa để mang về bàn thắng ấn định tỉ số 2-1 cho Uruguay (Ảnh: FIFA)
ĐT Pháp và dấu mốc trận đấu số 1 tới số 900
Pháp chính là đội bóng chơi trận đấu đầu tiên của World Cup, khi giải đấu bắt đầu vào năm 1930, và cũng sẽ chơi trận thứ 900 vào ngày hôm nay (15.7.2018).
Trên thực tế, cùng lúc với chiến thắng 4-1 của Pháp trước Mexico ở SVĐ Pocitos (Montevideo, Uruguay) còn có trận đấu diễn ra cùng giờ giữa Mỹ vs Bỉ (Mỹ thắng 3-0).
Cầu thủ ghi bàn thắng đầu tiên tại World Cup cũng thuộc ĐT Pháp. Đó là Lucien Laurent khi ông mở tỉ số ở phút 19 ở trận gặp Mexico vào ngày 13.7.1930.
Các đội bóng phải có mặt ở SVĐ trước lúc mấy giờ?
Theo các quy định của FIFA, Pháp và Croatia sẽ phải có mặt ở trong sân vận động Luhzniki trước 16h30 giờ địa phương (13h30 GMT). FIFA cũng có thể linh động cho các đội bóng có mặt muộn nhất vào lúc 16h35.
Bài Quốc ca được phát tối đa trong bao lâu?
Cũng theo quy định từ FIFA, độ dài của bài Quốc ca không thể vượt quá 90s. Các liên đoàn sẽ phải cung cấp đĩa CD với bản Quốc ca có độ dài phù hợp trước khi giải đấu bắt đầu.
Người Argentina không thể được nghe trọn vẹn bài Quốc ca của mình bởi nó dài hơn 90s (Ảnh: Getty)
Mỗi đội bóng buộc phải chuẩn bị hai áo đấu không có tên hoặc số
Lý do là bởi khi đội bóng không còn quyền thay thủ môn (đã hết quyền thay người và thủ môn chính bị đuổi hoặc chấn thương không thể tiếp tục thi đấu), cầu thủ xuống đảm nhận vị trí thủ môn bất đắc dĩ sẽ phải mặc loại áo này để phân biệt.
Đức sẽ phải bỏ đi tấm khiên “Đương kim vô địch thế giới” trên áo đấu sau khi trận chung kết 2018 kết thúc
Nhà vô địch 2014 sẽ không thể tiếp tục sử dụng mẫu áo có gắn tấm khiên “Đương kim vô địch thế giới” sau khi xác định được Pháp hay Croatia là đội chiến thắng ở trận chung kết World Cup 2018.
Nhà vô địch mới, cũng giống như Đức, sẽ được gắn tấm khiên này lên áo đấu đến sau khi World Cup 2022 tại Qatar kết thúc vào ngày 18.12.2022.
FIFA thực tế chỉ cho các đội bóng “mượn” cúp vô địch trong ít phút
Đội vô địch World Cup sẽ được nâng cao chiếc cúp cao 36,8 cm được làm từ 3 kg vàng 18 carat. Tuy nhiên sau khi lễ trao giải kết thúc, chiếc cúp thật sẽ được FIFA lấy lại trong phòng thay đồ. Đội vô địch sẽ được trao một phiên bản tương tự, nhưng chỉ được mạ vàng mà thôi, để mang về nước.
Các cầu thủ sẽ chỉ được chạm vào cúp vàng World Cup bản thật trong ít phút (Ảnh: FIFA)
Nhà vô địch và Á quân sẽ nhận được bao nhiêu tiền thưởng?
Giải thưởng tại World Cup 2018 tăng 12% so với giải đấu diễn ra 4 năm trước ở Brazil. Đội vô địch sẽ nhận được 38 triệu USD tiền thưởng, trong khi đội về nhì có 28 triệu USD.
Đối với ĐT Pháp, trong trường hợp họ lên ngôi vô địch, các cầu thủ đã thương lượng rằng cả đội sẽ được nhận 30% số tiền thưởng (tương đương 11,4 triệu USD). Kylian Mbappe đã thông báo mình sẽ dành tặng toàn bộ số tiền được chia cho một tổ chức từ thiện phi chính phủ.
Liệu Nikola Kalinic có được coi là nhà vô địch thế giới nếu Croatia giành chiến thắng?
Tiền đạo này đã bị HLV Zlatko Dalic đuổi khỏi đội, sau khi từ chối ra sân trong trận mở mà gặp Nigeria của Croatia vào ngày 16.6. Dẫu vậy, dù không thi đấu một phút nào nhưng Kalinic vẫn sẽ được coi là nhà vô địch thế giới bởi anh đã có tên trong danh sách 23 cầu thủ Croatia tham dự World Cup 2018.
Trước đó, những cầu thủ dù không bị kỉ luật, nhưng cũng không ra sân một phút nào như Franco Baresi (1982 - Italia), Daniel Passarella (1986 - Argentina) hay Ronaldo Nazario (1994 – Brazil) vẫn được coi là nhà vô địch thế giới.
Luzhniki, SVĐ của những trận chung kết
Với việc trở thành nơi diễn ra trận đấu giữa Pháp vs Croatia, Luzhniki sẽ có thêm một lần được trở thành nơi lựa chọn tổ chức các trận chung kết lớn của bóng đá thế giới. Nơi đây đã diễn ra trận chung kết Olympic (Moscow 1980), trận chung kết cúp UEFA (1999), trận chung kết Champions League (2008) và giờ là trận chung kết World Cup (Nga 2018).
Chức vô địch World Cup 2018 liệu sẽ gọi tên Pháp hay Croatia (Ảnh: Daily Mail)