Dân Việt

Sự sống còn của hàng triệu nông dân

25/12/2011 07:01 GMT+7
(Dân Việt) - Nếu đa dạng sinh học (ĐDSH) trên lưu vực sông Mekong bị giảm sút do tác động tiêu cực từ các diễn biến kinh tế, môi trường, có thể sản lượng thuỷ sản tự nhiên của Lào giảm tới 90%.

Nếu điều đó xảy ra, Lào sẽ thiếu hụt thuỷ sản thực phẩm trầm trọng”, đây là ý kiến TS Victor Cowling - Giám đốc Chương trình Quản lý sinh cảnh thuộc Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Lào.

Nhân chuyến công tác tại Hà Nội mới đây, TS Victor Cowling đã có cuộc trao đổi với NTNN. Ông cho biết:

Tại Hội nghị thượng đỉnh tiểu vùng sông Mekong lần thứ 4 (GMS) tổ chức tại thủ đô Naypyitaw (Myanmar) ngày 20.12 vừa qua, Thủ tướng các nước Việt Nam, Lào và Campuchia thống nhất đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thận trọng đánh giá tổng thể về tác động đối với môi trường sống của các công trình trên dòng chính sông Mekong. Theo tôi, một sự thống nhất như vậy rất quan trọng cho việc bảo vệ ĐDSH ở lưu vực sông Mekong, nhất là các loài thuỷ sản.

img
 

Ông đánh giá như thế nào về mức độ ĐDSH ở lưu vực sông Mekong?

- Tiểu vùng sông Mekong bao gồm Thái Lan, Camphuchia, Lào, Việt Nam và Vân Nam (Trung Quốc) là một trong những khu vực có giá trị ĐDSH cao nhất trên thế giới. Mỗi năm, các nhà khoa học lại tìm ra nhiều loài mới ở vùng này. Riêng khu vực này đã phát hiện hơn 1.300 loài cá sinh sống, chế độ dòng chảy dao động theo mùa đã cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho các loài thuỷ sinh.

Dự kiến trên dòng chính và các nhánh chính thượng nguồn sông Mekong sẽ hình thành 12 đập thuỷ điện lớn nhỏ. Theo ông, nếu được xây dựng, các đập thuỷ điện này tác động thế nào tới hệ sinh thái của tiểu vùng?

- Tôi chưa phát biểu gì nhiều về điều này, bởi đánh giá tác động của các đập thuỷ điện đối với ĐDSH trong tiểu vùng cần có những nghiên cứu khoa học cẩn trọng, tổng thể. Những nghiên cứu đó cần xem xét các số liệu quan trắc, thống kê trong khoảng 10 năm, không chỉ trên dòng chính mà còn trên các dòng nhánh sông Mekong.

Nhưng có một điều tôi khẳng định rõ, các đập thuỷ điện được dựng lên chắc chắn sẽ làm suy giảm nghiêm trọng số lượng, chất lượng sinh vật thuỷ sinh, trong đó có các loài cá. Vào mùa sinh sản, các loài cá sẽ di cư lên thượng nguồn, đập thuỷ điện dựng lên sẽ ngăn cản tập tính tự nhiên này của các loài cá.

Hơn nữa, khi đập thuỷ điện dựng lên, diện tích ngập nước vùng thượng lưu tăng, lưu lượng nước về hạ du sẽ giảm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, cư dân Lào bị ảnh hưởng thế nào nếu các đập thuỷ điện tiếp tục được dựng lên trên thượng lưu sông Mekong?

- Ở đây tôi chỉ nói đến thuỷ sản, cụ thể là cá. Hiện nay, 90% sản lượng cá tiêu thụ tại nước Lào được khai thác tự nhiên từ sông Mekong, chỉ có 10% là từ cá nuôi. Nếu các đập thuỷ điện tiếp tục được dựng lên trên dòng chính và các nhánh chính sông Mekong thì Lào sẽ tính thế nào với 90% sản lượng cá thiếu hụt?

Giải quyết chuyện này không hề đơn giản, bởi không chỉ liên quan đến thực phẩm tiêu dùng, mà còn là sinh kế của hàng vạn cư dân ven sông trên lãnh thổ Lào và còn hàng triệu cư dân thuộc các quốc gia khác. Khoảng 80% trong số gần 400 triệu cư dân tiểu vùng sông Mekong sống phụ thuộc vào sức sản xuất của hệ sinh thái tự nhiên khoẻ mạnh như về nước sạch, lương thực, thực phẩm và các nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp...

WWF tại Lào có khuyến cáo gì đối với các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong về bảo vệ ĐDSH?

- Các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong cần đi theo hướng tăng trưởng xanh, bớt tác động đến môi trường tự nhiên. Phát triển bền vững rất quan trọng đối với sự ĐDSH tiểu vùng sông Mekong. Cần có cơ chế phối hợp xem xét, thảo luận, đưa ra giải pháp giải quyết hài hoà mọi vấn đề có liên quan đến dòng sông này. Các khuyến cáo cụ thể, chính thức chỉ có thể được đưa ra với tư cách Tổ chức WWF toàn cầu...

Xin cảm ơn ông!