Dân Việt

Chuyên gia "gỡ nút thắt" câu chuyện nhầm con 6 năm ở Ba Vì

Hoàng Thành 16/07/2018 06:23 GMT+7
“Theo tôi, khi trao con về đúng với bố mẹ ruột thì không nên giấu giếm sự thật. Bố mẹ nên trò chuyện, nói cho các con theo hướng vui vẻ... Bố mẹ nên nhớ một lời nói sẽ làm thay đổi cuộc đời con” – chuyên gia Nguyễn An Chất nói.

Những ngày gần đây, câu chuyện trao nhầm con tại bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Ba Vì, Hà Nội của gia đình anh P.G.S và chị V.T. H ở Ba Vì nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Lời nói sẽ thay đổi cuộc đời con trẻ

Sự việc càng khiến nhiều người chú ý, bởi lẽ những đứa trẻ đã thất lạc bố mẹ đẻ hơn 6 năm. Cuộc sống gia đình hai bên xảy ra nhiều biến cố, thậm chí, có gia đình đổ vỡ hạnh phúc vì sự cố hy hữu này.

Liên quan tới vấn đề này, nhiều ý kiến của các chuyên gia tâm lý cho rằng, sự cố đã xảy ra, tuy nhiên nếu các gia đình không có sự xử lý khéo léo có thể tạo thành cú sốc với các bé. Bởi, thói quen của trẻ được nôi dưỡng, hình thành suốt 6 năm không dễ dàng thay đổi trong ngày một, ngày hai. Nếu đột ngột nhấc trẻ sang môi trường mới sẽ tạo sự bỡ ngỡ, xuất hiện phản xạ hoang mang, lo lắng, thậm chí cảm thấy bị bỏ rơi. Do đó, trẻ cần phải có sự thích nghi lại từ đầu, từ hoàn cảnh sống, giao tiếp ứng xử, văn hóa gia đình…

img

Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội nơi diễn ra vụ trao nhầm con sau khi sinh cách đây 6 năm.

Nhà nghiên cứu tâm lý học Nguyễn An Chất chia sẻ, trong trường hợp này, gia đình các cháu bé không nên so sánh về điều kiện kinh tế, con nào sống tốt hơn con nào mà nên giải thích một cách ôn hòa nhất để các con cảm thấy may mắn vì có thêm người bạn cùng ngày, tháng, năm sinh, thêm bố mẹ. 

Bên cạnh đó, thi thoảng hai gia đình cho các con giao lưu cùng nhau, tổ chức sinh nhật cho các con, để chúng thấy rằng chúng hạnh phúc hơn nhiều đứa trẻ khác khi có tận 2 người bố và 2 người mẹ. 

“Theo tôi, khi trao con về đúng với bố mẹ ruột thì không nên giấu giếm sự thật. Bố mẹ nên trò chuyện, nói cho các con theo hướng vui vẻ. Tôi đặc biệt nhấn mạnh, trước mặt các con, bố mẹ không được buông những lời ‘khổ thân con phải sống khổ, bố mẹ sẽ bù đắp cho con…’, như thế dễ khiến trẻ tổn thương. Bố mẹ nên nhớ một lời nói sẽ làm thay đổi cuộc đời con” – chuyên gia Nguyễn An Chất nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm Tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc) cho rằng: đây là sự cố không ai mong muốn nhưng đã xảy ra, các gia đình nên tìm tiếng nói chung, cùng bồi dưỡng tình yêu thương và làm quen với môi trường của nhau. Các con có bị sốc hay không, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào cách giải quyết khéo léo của bố mẹ. 

“Để con trẻ hiểu vấn đề, đầu tiên hai gia đình cùng liên hệ với nhau để thống nhất cách giải quyết. Sau đó, hai con được làm quen với hai bên gia đình, làm quen nhau, đến chơi nhà nhau thường xuyên. Gia đình hai bên cùng giải thích cho các con hiểu, bồi dưỡng thêm cho các con tình thương, các con có thêm bố mẹ. Đặc biệt cần tỉ tê, tâm sự cùng các con và hãy để chúng cùng được sống trong vòng tay yêu thương của một gia đình lớn để các con ít bị bối rối, bỡ ngỡ nhất” – bà Túy phân tích.

Trao trả và làm thủ tục nhận con nuôi

Chuyên gia tâm lý Trịnh Hòa Bình cho rằng, ở Việt Nam hiện nay chưa có nhiều người hiểu về tâm lý của trẻ em. Để sửa chữa sai lầm cần phải có thời gian, ít nhất là nửa năm để các con làm quen. “Không thể gây sốc cho các con bằng cách bù đắp về vật chất, ăn ngon mặc đẹp là xong. Tổn thương gây ra cho các con là rất lớn. Nếu làm vội vàng, chúng ta sẽ không có cơ hội để sửa sai” – PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.

img

Kết quả xét nghiệm ADN xác nhận bố mẹ đẻ của hai đứa trẻ bị trao nhầm bố mẹ 6 năm trước

Về sự việc trên, trao đổi với PV Dân Việt, Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Hà Nội) cho rằng: “Giải pháp tốt nhất để gia đình đoàn tụ các con là trao trả và làm thủ tục nhận con nuôi”.

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, về góc độ pháp lý, khi nhầm con như vậy thì con của nhà nào trả về nhà đấy. Giải pháp lúc này của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng là khuyên giải, phân tích, động viên, có thể coi đây là cơ duyên để hai gia đình gẫn gũi nhau hơn, thậm chí là làm thủ tục cho cả hai bên đều nhận con nuôi (đứa con đang nuôi sẽ nhận thủ tục làm con nuôi), cả hai gia đình đi lại chăm sóc nhau bình thường. Còn con đẻ thì đương nhiên phải làm lại thủ tục khai sinh, trao, nhận lại con đẻ.

Về góc độ xã hội, sự nhầm lẫn là không ai mong muốn do vậy cả hai gia đình phải cảm thấy may mắn, sinh con ra không có cơ hội chăm sóc nhưng người khác lại coi như con, chăm sóc, tạo điều kiện để các con lớn khôn thì phải trân trọng tình cảm này. Do đó, những lúc rảnh rỗi hay cuối tuần, hai gia đình tạo điều kiện cho các con gặp bố mẹ hoặc tổ chức chương trình chung thì sẽ toàn vẹn và hài hòa, tránh được cảm giác mất mát, hụt hẫng cho trẻ.

“Khi mà đứa con mà mình rất là chăm lo, yêu quý như thế mà không phải con của mình thì cũng sốc, do đó cần có giải pháp hòa giải vẹn toàn kể cả pháp lý và xã hội, tránh nóng vội. Trong lúc này, sự việc cần được giải quyết về mặt tình cảm giữa hai gia đình, đưa các cháu về đúng với bố mẹ đẻ. Chúng ta nên mở lòng ra, bỏ qua mọi thứ, thống nhất tìm tiếng nói chung để trao trả con cho nhau tránh gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của các cháu" – Luật sư Cường nhấn mạnh.

Đề cập đến trường hợp một gia đình vì câu chuyện không rõ ràng, không mong muốn ngay từ đầu dẫn đến phải ly hôn, các chuyên gia tâm lý cho rằng: họ ly hôn vì nghi ngờ nhau, giờ sự việc đã được sáng tỏ thì cơ quan chức năng nên vào cuộc làm thế nào để giúp vợ chồng hàn gắn là điều tốt nhất.

 Theo hồ sơ còn lưu trữ, hai bé chào đời cách nhau 20 phút, trong 6 ca sinh ngày 1.11.2012, chỉ có hai ca sinh buổi sáng là hai bé trai này. Một bé nặng 3,1 kg, một bé 3,8 kg.

Sáng 15.7, hai cháu bé bị trao nhầm ở Ba Vì (Hà Nội) đã có giây phút đoàn tụ tại nhà riêng của chị V.T.H (người mẹ có con bị trao nhầm với gia đình anh S.).

Về việc gặp mặt giữa ba bên (gia đình anh S., gia đình chị H. và Bệnh viện đa khoa Ba Vì - PV) dự kiến trong đầu tuần tới. Hai bên gia đình mong mỏi sẽ giải quyết dứt điểm vụ việc trước ngày 20.7 để các con có thể yên tâm đi học.

Được biết, từ lúc phát hiện trao nhầm con cuối tháng 3.2018 tới nay, hai gia đình và các con đã gặp nhau nhiều lần, thậm chí cũng ngủ lại nhà nhau cũng như tổ chức các bữa đi chơi, đi siêu thị cùng nhau.