Đó là ý kiến của Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan về vấn đề sản xuất phim hiện nay tại Việt Nam. Tuy nhiên, “trong nhận thức của một số người vẫn chưa từ bỏ được thói quen phân biệt doanh nghiệp dựa trên hình thức sở hữu”, chính vì thế mà “các phương tiện thông tin đại chúng đều đưa tin tại liên hoan có 30 phim của doanh nghiệp tư nhân, không có một phim nào của doanh nghiệp nhà nước” (Liên hoan phim Việt Nam diễn ra năm 2017) - ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2018.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan
Thực tế cho thấy, ngay trong Điều lệ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX cũng quy định rõ: “Phim tham dự Liên hoan Phim Việt Nam phải là phim nói tiếng Việt do các cơ sở điện ảnh Việt Nam sản xuất hoặc hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài sản xuất và không có tranh chấp về bản quyền”. Như vậy, không có khái niệm nào gọi là “phim nhà nước” hay “phim tư nhân”. Có chăng là do cách sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt chưa đúng, dẫn đến lối tư duy cố hữu và tâm lý phân biệt.
Một thực trạng nữa là, trong vài năm gần đây, việc đặt hàng của nhà nước cho điện ảnh ít hơn bởi các phim sử dụng ngân sách nhà nước theo hình thức đấu thầu gặp nhiều khó khăn và không khả thi. 3 năm kể từ sau khi “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, năm nay mới lại có một dự án điện ảnh được tài trợ từ nguồn ngân sách nhà nước là phim Thạch Thảo, với tài trợ từ nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng sản xuất phim là 70% tổng mức giá sản xuất phim được phê duyệt, 30% còn lại là nguồn kinh phí xã hội hóa huy động của đơn vị sản xuất.
Tuy nhiên, số lượng phim vẫn không ngừng tăng và đặc biệt chất lượng phim đã có những tiến bộ, với sự phát triển nở rộ, chất lượng cao, tính chuyên nghiệp cao. Đó cũng là những nỗ lực được bù đắp, khích lệ xã hội hóa điện ảnh và các hoạt động trong điện ảnh.
Bà Ngô Phương Lan cũng cho rằng: Trong cách nghĩ của chúng tôi thì không nên có sự phân biệt nào giữa điện ảnh Nhà nước và điện ảnh tư nhân khi chúng ta đổi mới. Đặc biệt, trong quá trình hội nhập, chúng ta chỉ tính chung một nền điện ảnh đó là nền điện ảnh dân tộc - điện ảnh Việt Nam. Không có sự phân biệt về các tác phẩm trong các cuộc thi, liên hoan phim hay các cuộc thi của Hội điện ảnh.
"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là dự án được tài trợ chính từ nhà nước, do Cục Điện Ảnh đại diện, phần còn lại là từ công ty Galaxy M&E, Saigon Concert và Phương Nam Phim.
Ngoài Liên hoan phim Việt Nam, giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam cũng được dư luận quan tâm. Mỗi năm, lại có những tranh luận sôi nổi xung quanh giải thưởng này và trong giải Cánh diều vàng, người ta cũng nhắc nhiều đến “phim nhà nước” và “phim tư nhân”.
Vậy, đạo diễn phim phản ứng thế nào? “Tôi không bao giờ quan tâm chuyện phim của nhà nước hay tư nhân sản xuất. Đó là một khái niệm rất buồn cười, kỳ cục, sơ đẳng và rất vớ vẩn” - đạo diễn Vinh Sơn nói về “nguồn gốc” các phim dự giải Cánh diều vàng.
Hay ông Trần Luân Kim - Nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng cho rằng, chúng ta nên gọi chung là phim Việt Nam. Gọi chung phim Việt Nam là cách gọi đúng đắn và tôn trọng nhà sản xuất phim.
Công bằng mà nói, Luật Điện ảnh đã tạo ra một sân chơi rất bằng phẳng và tiêu chí rất rõ. Hơn nữa, không thể phủ nhận rằng việc có mặt của các hãng phim mà chúng ta hay quen gọi là “phim tư nhân” góp phần làm đa dạng hơn bộ mặt điện ảnh nước nhà. Như vậy, tiêu chí đánh giá của khán giả là phim đó có hay hay không chứ họ không nhìn vào phim đó là của nhà nước hay tư nhân.
Chính vì thế, không có lằn ranh nào cho phim nhà nước hay tư nhân. Đây cũng là sự khuyến khích và là cách đi đúng hướng để nhà nước có thể định hướng được sự phát triển của nền điện ảnh.